Press & Media - T2, 07/22/2024 - 10:49
Hội thảo Dinh dưỡng với bệnh mạn tính không lây tổ chức tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Lần cập nhật cuối 08/12/2024 - 14:48
Ngày 6/7/2024, Hội thảo Dinh dưỡng với bệnh mạn tính không lây đã được tổ chức tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội. Hội thảo có sự tham gia của Ths. Hà Thanh Sơn, Cục Quản lý Khám chữa bệnh, Bộ Y tế, PGS.TS.BS. Võ Thanh Quang, Phó Tổng giám đốc bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, BS. Erwan Debuc, Giám đốc Y tế bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, TS.BS. Hồ Thu Mai, Trưởng khoa Dinh dưỡng bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, Ths.BS. Trần Việt Cường, bệnh viện Nội tiết Trung ương và nhiều chuyên gia dinh dưỡng đến từ các bệnh viện trên cả nước.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã chia sẻ những kinh nghiệm sâu rộng và kiến thức cập nhật về dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị bệnh không lây.
Theo TS.BS. Hồ Thu Mai, thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đang đối mặt với gánh nặng sức khỏe do sự gia tăng của các bệnh không lây (NCDs). Ước tính mỗi năm số ca tử vong do NCDs tại Việt Nam chiếm tới 77% tổng số tử vong do mọi nguyên nhân, chủ yếu là do các bệnh tim mạch, ung thư, đái tháo đường và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.
Hiện nay, cả nước có hơn 20 triệu người mắc NCDs và con số này đang tiếp tục gia tăng. Báo cáo của các bệnh viện cho thấy 65-75% người bệnh nội trú mắc phải NCDs, nhưng chỉ có 1/3 số người bệnh này được phát hiện và điều trị kịp thời.
Việc tăng cường kiểm soát các yếu tố nguy cơ gây bệnh, phát hiện sớm và quản lý điều trị NCDs sẽ giúp bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khỏe của cộng đồng, giảm chi phi y tế xã hội.
Theo TS.BS Hồ Thu Mai, một trong những yếu tố nguy cơ hàng đầu dẫn đến sự gia tăng NCDs là chế độ dinh dưỡng không hợp lý và thiếu lành mạnh bao gồm nhiều đường và muối, nhiều chất béo bão hòa, ít rau, củ, quả và trái cây.
Chế độ dinh dưỡng hợp lý giúp phòng chống NCDs theo khuyến nghị của tổ chức Y tế Thế giới WHO cần đủ 4 nhóm chất, cân đối, đa dạng giữa thực phẩm có nguồn gốc động vật và thực vật, bao gồm:
- Chất béo: 20 - 30% tổng năng lượng
- Chất béo không bão hòa: 70%
- Không ăn Trans
- Đường: 5-10% tổng năng lượng
- Muối: 5g/ngày
- Trái cây và rau quả: 300 - 400g/ngày
- Ăn thực phẩm gần với tự nhiên nhất
Dinh dưỡng có vai trò quan trọng trong phòng ngừa và điều trị NCDs. Tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, chăm sóc dinh dưỡng luôn đồng hành cùng điều trị bệnh đối với tất cả các bệnh nhân ngoại trú và nội trú cần đến liệu pháp dinh dưỡng để hỗ trợ nâng cao hiệu quả chữa bệnh. Chăm sóc dinh dưỡng được cá thể hóa để đảm bảo phù hợp với tình trạng bệnh lý và tình trạng dinh dưỡng của từng người bệnh.
Trong suốt quá trình điều trị, chuyên gia theo dõi nhằm đảm bảo người bệnh tuân thủ nghiêm túc chế độ dinh dưỡng đã đề ra; khảo sát khả năng dung nạp, và đánh giá hiệu quả của dinh dưỡng. Việc điều trị liên khoa giúp người bệnh được chăm sóc tổng thể, hồi phục nhanh chóng, giảm thời gian lưu viện và chi phí y tế. Sau khi ra viện, người bệnh tiếp tục đươc tư vấn sử dụng dinh dưỡng hợp lý để duy trì sức khỏe tốt.
Cũng tại Hội thảo, ThS.BS. Trần Việt Cường, bệnh viện Nội tiết Trung ương, đã cập nhật chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa Đái tháo đường (ĐTĐ) tuýp 2.
ThS.BS. Cường nhấn mạnh về tầm quan trọng của thay đổi lối sống để phòng bệnh, bao gồm chế độ ăn uống lành mạnh, giảm cân và tăng cường hoạt động thể chất. Người trưởng thành thừa cân hoặc béo phì có nguy cơ cao mắc ĐTĐ tuýp 2 cần được tư vấn thay đổi hành vi lối sống chuyên sâu để đạt được và duy trì giảm cân hợp lý thông qua chế độ ăn uống lành mạnh, chế độ ăn giảm calo và hoạt động thể chất cường độ vừa phải.
BS. Cường cho biết phương pháp cá thể hóa điều trị và “lấy người bệnh làm trung tâm” sẽ hướng dẫn lựa chọn thuốc cho bệnh nhân ĐTĐ tuýp 2. Các hành vi lối sống lành mạnh, giáo dục và hỗ trợ tự quản lí bệnh ĐTĐ, tránh tăng liều điều trị và ảnh hưởng của các yếu tố xã hội nên được xem xét trong việc quản lý điều trị bệnh.
Hội thảo đã thành công với mục tiêu chia sẻ kiến thức chuyên môn và tăng cường nhận thức về vai trò quan trọng của dinh dưỡng trong phòng ngừa và điều trị NCDs. Phát biểu tại Hội thảo, Giám đốc Y tế bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, BS. Erwan Debuc, khẳng định Bệnh viện cam kết tiếp tục đóng góp cho các nghiên cứu trong lĩnh vực này với mục tiêu nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho cộng đồng.