Press & Media - T4, 12/04/2024 - 10:25
CẤP CỨU KỊP THỜI CỨU THAI NHI 35 TUẦN TUỔI BẤT THƯỜNG LỖ BẦU DỤC TẠI TIM
Lần cập nhật cuối 12/31/2024 - 14:12
Xem thêm các gói thai sản của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội tại đây.
Phát hiện dấu hiệu phình lỗ bầu dục bất thường tại tuần thai thứ 32, sản phụ Đ.P.A đã được các bác sĩ Sản và bác sĩ Nhi chuyên về Tim mạch phối hợp theo dõi sát sao và đón bé chào đời an toàn vào mốc 35 tuần 3 ngày.
Lựa chọn theo dõi thai kỳ tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội từ mốc 26 tuần, chị P.A được bác sĩ Hồ Văn Thu - Trưởng khoa Sản và Phụ khoa thăm khám kỹ lưỡng qua từng lần khám thai, sức khỏe mẹ và thai nhi đều bình thường, khỏe mạnh. Tuy nhiên, qua siêu âm thai vào mốc 32 tuần, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh xác định có hình ảnh phình vách liên nhĩ ở vị trí lỗ bầu dục. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, ngay lập tức, bác sĩ Thu đã hội chẩn với bác sĩ Tim mạch Nhi. Sản phụ đã được các bác sĩ chuyên khoa Sản và Tim mạch Nhi kết hợp siêu âm tim cho thai nhi một cách kỹ lưỡng, để ý từng chi tiết nhỏ, chẩn đoán lỗ bầu dục nhỏ, có nguy cơ đóng sớm. Sản phụ được chỉ định theo dõi sát, với mục đích vừa giữ được thai nhi ở trong bụng mẹ lâu nhất có thể, vừa đảm bảo an toàn cho bé chào đời.
Tiến sĩ Lê Ngọc Lan, bác sĩ Nhi khoa chuyên sâu trong lĩnh vực Tim mạch cùng bác sĩ Sản khoa trực tiếp tham gia theo dõi cho sản phụ và điều trị cho em bé, cho biết: “Lỗ bầu dục (PFO) là một lỗ thông giữa hai buồng nhĩ (tâm nhĩ phải và tâm nhĩ trái) của tim thai nhi. Đây là một cấu trúc cần phải có trong thời kỳ bào thai giúp máu lưu thông nuôi cơ thể khi thai nhi còn phụ thuộc vào tuần hoàn mẹ. Lỗ bầu dục phải tồn tại suốt thời kỳ bào thai với kích thước đủ rộng và sẽ đóng lại sau khi em bé được sinh ra từ vài ngày đến vài tháng. Tuy nhiên nếu lỗ bầu dục này nhỏ, đóng sớm trong thời kỳ bào thai sẽ vô cùng nguy hiểm, ảnh hưởng tới tính mạng của thai nhi.”
Vào thời điểm thai 35 tuần 3 ngày, nhận thấy dấu hiệu nguy hiểm trên siêu âm tim thai, sau khi hội chẩn đa khoa, bác sĩ Thu đã chỉ định mổ cấp cứu, kịp thời đón em bé chào đời. Sau sinh, em bé khóc khá to, nhưng thở không đều, gắng sức, da nhợt, gan to, SpO2: 75-80%. Ngay lập tức bé được đưa vào phòng chăm sóc tích cực Sơ sinh của bệnh viện. Hai ngày sau sinh, sức khỏe em bé đã trở lại hoàn toàn bình thường và được nằm trọn trong vòng tay của mẹ. Hai mẹ con đã được ra viện đúng theo lộ trình thông thường.
QUI TRÌNH THEO DÕI LIÊN CHUYÊN KHOA QUẢN LÝ RỦI RO TRONG THAI KỲ
Theo bác sĩ Ngọc Lan, đóng lỗ bầu dục sớm là một bất thường thai nhi ít được ghi trong y văn, sinh bệnh học chưa rõ ràng, nó có thể xảy ra ở bất kỳ giai đoạn nào của thai kỳ và nếu không được phát hiện sớm, theo dõi sát và chỉ định sinh nở đúng thời điểm, nguy cơ tử vong chu sinh là rất cao. Bất thường này có thể diễn biến một cách âm thầm và khó phát hiện, nên việc theo dõi của bác sĩ Chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ Sản khoa trở nên vô cùng quan trọng để phát hiện sớm vấn đề và đưa ra phương án điều trị tối ưu.
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Hà, trưởng khoa Nhi: “Cứu sống em bé kịp thời là sự khích lệ cho các hoạt động chuyên môn không ngừng nghỉ vì sức khỏe người bệnh trên hết của chúng tôi. Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, các chuyên khoa như Sản và Nhi cùng với các chuyên khoa liên quan khác được phối hợp chặt chẽ liên tục, từ khâu sàng lọc trước sinh, hỗ trợ sinh nở đến chăm sóc sau sinh. Mỗi khi phát hiện có các yếu tố nguy cơ cao trong quá trình quản lý thai sản, chúng tôi sẽ có kế hoạch tương ứng với mục tiêu cuối cùng của quy trình là đảm bảo an toàn cho cả mẹ và bé, tạo điều kiện cho sự phát triển tốt nhất của trẻ trong tương lai.”