Knowledge - T2, 10/09/2023 - 16:46
Nội soi tiêu hoá gây mê: Ưu nhược điểm và quy trình kỹ thuật
Lần cập nhật cuối 11/13/2024 - 15:05
Nội soi tiêu hóa là thủ thuật giúp chẩn đoán chính xác tình trạng thương tổn của hệ tiêu hóa. Bài viết này sẽ cung cấp cho bạn thông tin chi tiết về chi phí, tác dụng, phân loại và những lưu ý khi thực hiện nội soi tiêu hoá.
Vai trò của nội soi tiêu hoá gây mê
Nội soi tiêu hoá gây mê giúp bệnh nhân an thần suốt quá trình nội soi, từ đó giúp bác sĩ thuận lợi thăm khám và điều trị đường tiêu hóa, cụ thể như sau:
- Theo dõi và giám sát: Thông qua ống nội soi, bác sĩ có thể giám sát và theo dõi trực tiếp các tình trạng bệnh lý bên trong đường tiêu hoá hoặc đánh giá tình trạng phục hồi của bệnh nhân sau khi được điều trị.
- Chẩn đoán bệnh lý: Khi thực hiện nội soi tiêu hoá gây mê, bác sĩ có thể kiểm tra được tình hình sức khỏe bên trong đường tiêu hoá, từ đó có thể nhanh chóng phát hiện nhiều vấn đề của các cơ quan trong hệ, ví dụ như chảy máu, viêm loét, tắc, thủng, ung thư, polyp,...
- Lấy mẫu sinh thiết: Trong quá trình nội soi tiêu hoá gây mê, nếu thấy có dấu hiệu nghi ngờ, bác sĩ có thể sử dụng dụng cụ chuyên dụng để lấy mẫu mô hoặc tế bào tại vùng đó để thực hiện kiểm tra sinh thiết, từ đó đưa ra chẩn đoán bệnh tình chính xác hơn.
- Điều trị bệnh lý: Bác sĩ có thể kết hợp một số thủ thuật can thiệp trong khi nội soi để điều trị bệnh lý đường tiêu hoá như thắt tĩnh mạch, nong hẹp, cắt polyp,...
Nội soi tiêu hoá gây mê có ưu nhược điểm gì?
Nội soi tiêu hóa gây mê có nhiều ưu điểm vượt trội, tuy nhiên vẫn có một số nhược điểm nhất định, có thể kể đến như sau:
Ưu điểm của nội soi tiêu hóa có gây mê
- Nội soi gây mê giúp bệnh nhân không còn cảm giác sợ hãi, buồn nôn, khó chịu hay đau đớn trong suốt quá trình tiến hành thủ thuật.
- Bệnh nhân không gặp phải phản ứng trong quá trình nội soi, tạo điều kiện giúp bác sĩ thực hiện thủ thuật dễ dàng, nhanh gọn và thu được kết quả thăm khám chính xác hơn.
- Nội soi gây mê là phương pháp an toàn đối với các bệnh nhân có bệnh nền như huyết áp, tim mạch…
- Nội soi tiêu hóa gây mê mang lại hiệu quả cao, ít xảy ra biến chứng.
Nhược điểm khi nội soi tiêu hóa gây mê
- Thuốc gây mê có thể gây phản ứng phụ với một số người, vì vậy bệnh nhân cần được bác sĩ theo dõi sát sao để đề phòng các vấn đề có thể phát sinh. Lượng thuốc gây mê sẽ được tính toán bởi bác sĩ gây mê.
- Giá nội soi với các phương pháp sử dụng thuốc gây mê cao hơn chi phí nội soi không gây mê thông thường. Điều này có thể gây khó khăn với những bệnh nhân không dư dả tài chính.
Mặc dù vậy, nếu so với những ưu điểm mà nội soi tiêu hóa gây mê mang lại với những nhược điểm của nó thì đây vẫn là một lựa chọn tốt.
Ai không được chỉ định nội soi tiêu hoá gây mê?
Nội soi tiêu hóa gây mê thường an toàn và hiệu quả, tuy nhiên có một số nhóm đối tượng cần tránh thủ thuật này do có nguy cơ và biến chứng tiềm ẩn. Các nhóm này bao gồm:
- Bệnh nhân mắc bệnh tim mạch nặng: Những người có các bệnh lý tim mạch nghiêm trọng như suy tim, bệnh mạch vành cấp tính hoặc rối loạn nhịp tim nặng có thể gặp nguy cơ cao khi gây mê.
- Bệnh nhân mắc bệnh phổi nặng: Những người bị bệnh phổi mạn tính nặng như hen suyễn không kiểm soát, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD) hoặc suy hô hấp cần tránh gây mê do nguy cơ suy hô hấp.
- Bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc gây mê: Những người có tiền sử phản ứng dị ứng nghiêm trọng với thuốc gây mê có thể gặp nguy hiểm nếu tiếp tục sử dụng các loại thuốc này.
- Phụ nữ mang thai: Phụ nữ mang thai, đặc biệt là trong ba tháng đầu và ba tháng cuối của thai kỳ, nên tránh nội soi gây mê trừ khi thực sự cần thiết, do nguy cơ gây hại cho thai nhi.
- Bệnh nhân có rối loạn đông máu: Những người bị rối loạn đông máu hoặc đang sử dụng thuốc chống đông máu có thể gặp nguy cơ chảy máu cao hơn khi thực hiện nội soi gây mê.
Việc đánh giá và lựa chọn phương pháp nội soi phù hợp nên được thực hiện bởi bác sĩ chuyên khoa, dựa trên tình trạng sức khỏe cụ thể của từng bệnh nhân.
Quá trình nội soi tiêu hóa có sử dụng thuốc gây mê
Trước khi làm nội soi, bác sĩ gây mê kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa của bệnh nhân, và cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng. Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ gây mê biết nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc hay thực phẩm chức năng nào, đồng thời ký giấy xác nhận và hỏi bác sĩ chi tiết về quá trình nội soi.
Khi thực hiện nội soi, người bệnh được cho dùng thuốc làm tê cổ họng, nếu làm nội soi gây mê thì được dùng thuốc an thần. Sau đó, bệnh nhân nằm nghiêng trên bàn làm thủ thuật:
Khi nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng bên trái. Thiết bị theo dõi sẽ được gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân.
Khi ống nội soi đi qua thực quản và xuống dạ dày, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới một màn hình bên ngoài. Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình để tìm các bất thường bên trong đường tiêu hóa trên. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ có thể chụp và ghi lại để kiểm tra.
Không khí bơm vào có thể làm cho bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi, giúp cho ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ có thể quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hoá.
Khi cần, bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết hay thực hiện những thủ thuật điều trị như nong, cắt polyp, điều trị xuất huyết… tùy thuộc vào bệnh lý được phát hiện trong quá trình nội soi.
Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng. Tổng thời gian chuẩn bị và nội soi dạ dày thường kéo dài khoảng 20 phút, tùy vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
Bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi tỉnh rồi về khu lưu viện trong ngày để nghỉ ngơi và theo dõi trong một vài giờ sau khi nội soi cho đến khi thuốc gây mê hết tác dụng hoàn toàn. Bệnh nhân lớn tuổi cần có người thân đưa về nhà và ở cùng với bệnh nhân nhiều giờ sau đó.
Lưu ý trong quy trình nội soi tiêu hóa gây mê
Bác sĩ sẽ đọc kết quả nội soi sau khi bệnh nhân hoàn toàn thoát mê. Nếu trong quá trình nội soi có làm sinh thiết thì mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán dưới kính hiển vi.
Kết quả sinh thiết sẽ có trong vòng 3 đến 5 ngày. Bệnh nhân sẽ được xếp lịch hẹn tái khám hoặc bệnh viện sẽ thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân qua điện thoại, email hoặc qua Zalo.
Quá trình thực hiện nội soi tiêu hóa dưới thường diễn ra sau khi bác sĩ kiểm tra tình trạng hậu môn của người bệnh xem có tổn thương nào không.
Các bước nội soi đại tràng tương tự với nội soi dạ dày. Nhưng với nội soi đại tràng, bác sĩ sẽ chèn một ống nội soi mảnh (gọi là colonoscope) qua hậu môn và dọc theo đại tràng. Đây là một ống mềm có camera và các công cụ nhỏ để kiểm tra và thực hiện các thủ thuật nếu cần.
Thực hiện nội soi tiêu hoá gây mê cần lưu ý những gì?
Để quá trình nội soi tiêu hóa diễn ra nhanh chóng và thuận lợi, giảm khả năng xảy ra biến chứng, bệnh nhân cần lưu ý một số điều sau đây:
- Thực hiện đúng hướng dẫn của bác sĩ trước khi nội soi để làm sạch đường tiêu hóa như nhịn ăn, nhịn uống,... Trước khi nội soi không uống đồ uống có màu, không uống nước 2 giờ trước khi nội soi. Với nội soi đại tràng, người bệnh cần làm sạch ruột trước khi nội soi.
- Thông báo rõ ràng với bác sĩ về tiền sử bệnh của bản thân, các loại thuốc đang dùng, đặc biệt là thuốc chống đông máu hoặc thuốc giảm tiết acid dạ dày.
- Sau khi nội soi gây mê, bệnh nhân cần nằm nghỉ đến khi hoàn toàn tỉnh táo rồi nhờ người thân đưa về.
- Bệnh nhân có thể cảm thấy đau rát họng, đau bụng, khó nuốt,... trong vòng vài ngày sau khi nội soi.
- Sau nội soi, nên ăn các đồ dễ tiêu hóa, dễ nuốt như súp, cháo, sữa,... tránh dùng đồ quá nóng có thể làm tổn thương dạ dày.
- Bệnh nhân cần tránh ăn các loại rau củ quả có vị chua như cam, chanh, bưởi, xoài,... hoặc món ăn chua, đồng thời cũng tuyệt đối tránh rượu bia, chất kích thích bởi chúng có thể làm tổn thương lớp niêm mạc dạ dày.
Nội soi tiêu hóa gây mê được đánh giá là thủ thuật an toàn và ít để lại biến chứng cho bệnh nhân. Tuy nhiên điều này chỉ được đảm bảo khi bệnh nhân lựa chọn thăm khám tại các cơ sở uy tín, có trang thiết bị hiện đại, dụng cụ nội soi tiêu hóa với chất lượng đạt chuẩn và có các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm thực hiện thăm khám.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là một trong những cơ sở y tế chất lượng cao, với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa và Gan mật được đào tạo quốc tế, hệ thống máy móc nội soi hiện đại cùng dịch vụ chăm sóc, khám chữa bệnh chuyên nghiệp, chu đáo, đảm bảo mang lại cho bệnh nhân trải nghiệm nhẹ nhàng và nhận kết quả thăm khám có độ chính xác cao.
Bệnh viện cung cấp đầy đủ các dịch vụ như nội soi tiêu hóa trẻ em, nội soi dạ dày, nội soi đại tràng,... Khách hàng có nhu cầu thăm khám hoặc tư vấn nội soi tiêu hóa gây mê có thể liên hệ lại qua số hotline 024.3574.1111 để được tư vấn và phục vụ nhanh chóng.