News - T3, 11/19/2024 - 13:51
NGOẠI TÂM THU NHĨ: KHI NÀO CẦN ĐIỀU TRỊ?
Lần cập nhật cuối 11/19/2024 - 14:12
Ngoại tâm thu nhĩ là một rối loạn nhịp tim lành tính, xảy ra khi có ổ phát nhịp ngoại lai tại tĩnh mạch phổi tạo ra xung điện khiến tâm nhĩ co lại sớm hơn so với bình thường. Đây là tình trạng khá phổ biến, xuất hiện ở cả người cao tuổi và người trẻ tuổi. Theo thống kê, 99% người từ 50 tuổi trở lên có ít nhất 1 nhịp ngoại tâm thu nhĩ khi theo dõi holter điện tim trong 24 giờ.
Nguyên nhân gây ra ngoại tâm thu nhĩ
Ngoại tâm thu nhĩ có thể gặp phải ở người có bệnh tim cấu trúc và người không có bất thường về cấu trúc tim. Ở những người không có bệnh tim cấu trúc, tức là không có bất thường về cấu trúc van tim, thành tim, buồng tim hoặc cơ tim, ngoại tâm thu nhĩ thường vô căn. Các chuyên gia tim mạch quan sát thấy những người này có ổ phát nhịp ngoại lai tại tĩnh mạch phổi. Ổ phát nhịp này tạo ra xung điện khiến tâm nhĩ co lại sớm hơn so với xung điện bình thường phát ra từ nút xoang.
Mặt khác, những bệnh tim cấu trúc như bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại, khuyết tật vách ngăn, dị tật tim bẩm sinh… đã được chứng minh là nguyên nhân dẫn đến ngoại tâm thu nhĩ. Một số bệnh lý tim mạch khác như nhồi máu cơ tim cấp, suy tim sung huyết, tăng huyết áp hoặc bệnh lý của các cơ quan khác như bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), đái tháo đường cũng có thể góp phần gây ngoại tâm thu nhĩ.
Tỷ lệ mắc ngoại tâm thu nhĩ cao hơn ở những người thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia, sử dụng các đồ uống chứa caffein như trà, cà phê, nước tăng lực. Những người thừa cân, béo phì và ít hoạt động thể chất cũng có nguy cơ cao mắc loại rối loạn nhịp tim này.
Ngoài ra, một số loại thuốc tim mạch, thuốc chống trầm cảm và hóa chất điều trị ung thư cũng có thể dẫn đến ngoại tâm thu nhĩ.
Triệu chứng cảnh báo ngoại tâm thu nhĩ
Hầu hết các trường hợp ngoại tâm thu nhĩ không có triệu chứng bất thường và không hề biết mình bị rối loạn nhịp tim. Người bệnh thường tình cờ phát hiện bệnh khi kiểm tra sức khỏe định kỳ hoặc khi thực hiện điện tâm đồ trước một phẫu thuật nào đó.
Một số ít bệnh nhân có thể cảm thấy hồi hộp, đánh trống ngực, choáng váng, chóng mặt hoặc cảm thấy tim đập hẫng một nhịp. Những triệu chứng này có thể xuất hiện thoáng qua rồi tự hết hoặc kéo dài dai dẳng, tùy theo tần suất ngoại tâm thu nhĩ ít hay nhiều. Ngoài ra, nếu bắt mạch ở cổ tay, người bệnh có thể cảm nhận nhịp tim của mình không đều.
Trong trường hợp ngoại tâm thu nhĩ thường xuyên kèm theo bệnh cơ tim, người bệnh có thể cảm nhận được các triệu chứng bất thường rõ ràng hơn như hồi hộp, khó thở, đau tức ngực, phù chân, tăng cân…
Chẩn đoán ngoại tâm thu nhĩ
Để chẩn đoán ngoại tâm thu nhĩ, trước tiên, bác sĩ sẽ kiểm tra mạch, huyết áp và nghe tim phổi của người bệnh. Sau đó, người bệnh sẽ thực hiện điện tâm đồ nhằm phát hiện các sóng điện tim bất thường.
Trong trường hợp bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ ngoại tâm thu nhĩ nhưng khám lâm sàng và điện tâm đồ không “bắt” được sóng điện tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định đeo holter điện tim trong 24 - 48 giờ. Holter điện tim giúp tăng tỷ lệ bắt được nhịp ngoại tâm thu nhĩ đồng thời xác định tần suất ngoại tâm thu nhĩ của người bệnh.
Bên cạnh đó, người bệnh cũng được siêu âm tim để kiểm tra chức năng tim và xác định các bất thường tiềm ẩn trong cấu trúc tim. Bệnh tim cấu trúc là nguyên nhân dẫn đến ngoại tâm thu nhĩ, đồng thời đây cũng là yếu tố quan trọng để bác sĩ cân nhắc có cần điều trị cho bệnh nhân không.
Ngoại tâm thu nhĩ có nguy hiểm không?
Đa phần các trường hợp ngoại tâm thu nhĩ là lành tính, ít ảnh hưởng tới sức khỏe và không đe dọa tính mạng. Tuy nhiên, những người có ngoại tâm thu nhĩ thường xuyên (> 100 nhịp ngoại tâm thu nhĩ/ ngày) có nguy cơ cao bị rung nhĩ và đột quỵ. Một nghiên cứu theo dõi gần 500 bệnh nhân ngoại tâm thu nhĩ liên tục sau 6 năm báo cáo rằng số ca bệnh tiến triển thành rung nhĩ ở nhóm bệnh nhân ngoại tâm thu nhĩ thường xuyên (29%) cao hơn 3 lần so với nhóm bệnh nhân ngoại tâm thu nhĩ không thường xuyên (9%).
Ngoại tâm thu nhĩ thường xuyên cũng liên quan đến nguy cơ tử vong do các bệnh lý tim mạch. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh ngoại tâm thu nhĩ với tần suất trên 100 nhịp/ ngày là yếu tố dự báo nguy cơ tử vong cao do các nguyên nhân tim mạch.
Vì vậy, nếu được chẩn đoán mắc ngoại tâm thu nhĩ, người bệnh không nên chủ quan. Thay vào đó, người bệnh nên tuân theo hướng dẫn của bác sĩ và tái khám đúng lịch để được theo dõi, đánh giá sức khỏe định kỳ.
Khi nào cần điều trị ngoại tâm thu nhĩ?
Quyết định điều trị ngoại tâm thu nhĩ phụ thuộc vào triệu chứng, nguyên nhân gây bệnh và tình trạng cấu trúc tim của người bệnh. Những bệnh nhân không có triệu chứng thường không cần điều trị.
Trong trường hợp ngoại tâm thu nhĩ có triệu chứng, người bệnh cũng không nên quá lo lắng vì loại rối loạn nhịp này thường là lành tính. Tâm lý thoải mái, bình tĩnh sẽ giảm bớt các triệu chứng khó chịu. Ngoài ra, người bệnh nên hạn chế hút thuốc, uống rượu bia, trà, cà phê, nước tăng lực và căng thẳng tinh thần; đồng thời tăng cường hoạt động thể chất, duy trì cân nặng hợp lý. Lối sống lành mạnh là biện pháp hàng đầu để kiểm soát các bệnh lý tim mạch, trong đó có ngoại tâm thu nhĩ.
Nếu ngoại tâm thu nhĩ xuất hiện thường xuyên dù đã thay đổi lối sống, khiến người bệnh phải đối mặt với nhiều triệu chứng khó chịu dai dẳng, bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc để đưa nhịp tim trở về nhịp xoang bình thường.
Ở những bệnh nhân ngoại tâm thu nhĩ không đáp ứng với thuốc hoặc bệnh nhân ngoại tâm thu nhĩ thường xuyên có bệnh cơ tim, suy tim, rung nhĩ, phương pháp triệt đốt ổ phát nhịp ngoại lai qua ống thông có thể chỉ định.
Khám và điều trị ngoại tâm thu nhĩ ở đâu?
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị bệnh lý ngoại tâm thu nhĩ. Đến với Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, người bệnh sẽ được:
- Thăm khám, tư vấn cùng TS.BS Alain Patrice Lebon – bác sĩ chuyên khoa Tim - Mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp
- Thực hiện các cận lâm sàng quan trọng để chẩn đoán nhanh chóng, chính xác bệnh với hệ thống trang thiết bị hiện đại: điện tâm đồ, holter điện tim, siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản…
- Chỉ định phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp với từng bệnh nhân nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
- Theo dõi sát sao, lâu dài nhằm phát hiện sớm tiến triển và biến chứng của ngoại tâm thu nhĩ, từ đó bác sĩ sẽ điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp, hiệu quả nhất.
- Thực hiện can thiệp triệt đốt ổ phát nhịp ngoại lai với hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Abbot Ensite X EP System thế hệ mới nhất, đầu tiên tại Việt Nam và hệ thống phòng can thiệp tim mạch hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp, giúp điều trị dứt điểm ngoại tâm thu nhĩ và hạn chế tối đa nguy cơ biến chứng.
Để được tư vấn về bệnh lý ngoại tâm thu nhĩ hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.