Tin tức - T2, 04/29/2019 - 10:01
Để có một thai kỳ khỏe mạnh
Lần cập nhật cuối 08/07/2020 - 16:26
Khi Bạn mang thai hoặc có kế hoạch mang thai, Bạn cần lưu ý một số điều dưới đây để có thai kỳ khỏe mạnh.
Kiểm tra sức khỏe. Hãy đảm bảo bạn đang ở tình trạng sức khỏe tốt và tiêm phòng đầy đủ trước khi có thai. Bạn nên tiêm phòng mũi vắc xin tổng hợp Sởi-Quai bị - Rubella và thủy đậu hoặc làm xét nghiệm để kiểm tra tình trạng miễn dịch. Nếu mẹ bị nhiễm những bệnh này trong thời kỳ mang thai có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của em bé. Bạn cũng cần phải tiêm phòng cúm mùa vì cúm cũng có thể gây nguy hiểm cho phụ nữ mang thai.
Chắc hẳn bạn đã biết rằng trong thời kỳ mang thai cần phải chăm sóc bản thân thật tốt, không nên hút thuốc lá và uống rượu. Nhưng có nhiều điều khác mà bạn cũng cần biết, đó là:
Bắt đầu uống vitamin, thậm chí trước khi có thai. Dây thần kinh của trẻ, sau này trở thành não và cột sống, phát triển trong tháng đầu tiên của thai kỳ, do đó điều quan trọng là bạn cần có đủ dưỡng chất cần thiết như axít folic, canxi và sắt. Có thể bạn sẽ thấy khó chịu sau khi uống vitamin (đó là do thành phần sắt), hãy uống vào buổi tối hoặc ăn kèm với bim bim.
Duy trì hoạt động. Tập thể dục có lợi cho sức khỏe nói chung và có thể giúp bạn kiểm soát cân nặng, làm cho tâm trạng của bạn tốt hơn và giúp bạn ngủ ngon hơn.
Tập yoga, bơi và đi bộ là những hoạt động rất tốt cho các bà bầu. Hãy tập nhẹ nhàng khoảng 30 phút mỗi ngày, tốt nhất là tập ở trong nhà vì như vậy bạn sẽ không bị ảnh hưởng bởi ánh nắng mặt trời, sự nóng nực và ô nhiễm môi trường.
Hãy tham vấn ý kiến bác sĩ về hoạt động thể chất phù hợp với bạn.
Thảo luận kế hoạch sinh bé. Bạn muốn sinh thường hay thích sinh mổ hơn? Còn phương pháp giảm đau thì sao? Bạn có muốn dùng phương pháp gây tê ngoài màng cứng để cuộc chuyển dạ dễ dàng hơn không? Những câu hỏi này phụ thuộc vào việc bạn đã từng sinh bé chưa và tất nhiên kế hoạch có thể thay đổi vào những phút cuối. Hãy thảo luận cùng với bác sĩ về những lựa chọn có thể, bác sĩ sẽ giải thích và đưa ra lời khuyên thích hợp cho bạn. Điều không kém quan trọng là nếu mọi việc không theo kế hoạch tính trước thì bạn không mong muốn điều gì.
Tham gia lớp học tiền sản. Bạn nên tham gia học tiền sản ngay cả khi đã từng sinh nở. Bạn có thể hỏi về những vấn đề mình quan tâm và hiểu hơn về việc sinh con cũng như chăm sóc trẻ sau khi sinh.
Chú ý một số công việc gia đình. Tránh tiếp xúc với các chất hóa học như chất tẩy rửa vì chúng có thể nguy hiểm cho bé. Không mang vác vật nặng. Tránh nguồn vi khuẩn, hãy sử dụng găng tay nếu phải xử lý thịt sống và rửa tay thật kỹ sau khi làm thịt sống. Nên tránh tiếp xúc với mèo. Mèo có thể mang ký sinh trùng toxoplasma, rất nguy hiểm cho trẻ.
Thận trọng khi ăn uống. Ngoài việc uống nhiều nước, hàng ngày ăn 5-6 bữa ăn nhỏ cân đối với đầy đủ chất dinh dưỡng và axit folic. Các loại rau xanh như bông cải xanh, măng tây; các loại trái cây họ cam quýt, chuối, đu đủ, bơ; các loại đậu như đậu lăng, đậu xanh, trứng, sữa và gan đều rất giàu folate. Hãy ăn nhiều cá và hải sản; cá giàu omega 3, một dưỡng chất cần thiết cho sự phát triển của não bộ.
Hãy đảm bảo những đồ ăn bạn nấu như trứng, thịt, cá phải được đun kỹ vì thực phẩm sống có thể chứa vi khuẩn có hại. Tránh các loại sữa chưa tiệt trùng và tránh ăn các loại phô mai như camembert, brie và phô mai xanh, thịt hun khói hoặc xông khói như dăm bông. Không dùng thực phẩm chức năng hoặc thuốc đông y nếu không có chỉ định của bác sĩ hoặc hộ sinh vì có thể gây cơn co tử cung.
Cuối cùng, chúng ta đều biết bạn cần ăn cho hai người nhưng điều quan trọng là theo dõi việc tăng cân trong quá trình thai nghén.
Tôi nên tăng cân như thế nào?
Phụ nữ mang thai có thể tăng cân ít hoặc nhiều. Hầu hết đều tăng từ 10 đến 12.5 kg, thường tăng ở giai đoạn sau tuần 20. Số kg tăng hơn số trên là do trẻ phát triển nhưng cơ thể của bạn sẽ tích trữ chất béo, sẵn sàng sản sinh sữa sau khi trẻ chào đời. Nếu bạn tăng cân quá ít hoặc quá nhiều đều có thể dẫn tới các vấn đề về sức khỏe.
Tăng cân quá nhiều có thể làm tăng nguy cơ biến chứng, bao gồm:
- Tiểu đường thai kỳ: quá nhiều đường trong máu trong quá trình mang thai có thể gây tiểu đường thai kỳ, tăng nguy cơ sinh con to.
- Tiền sản giật: cơn tăng huyết áp có thể là dấu hiệu đầu tiên của tiền sản giật, mặc dù hầu hết đều là nhẹ nhưng cũng có thể rất nguy hiểm cho cả mẹ và con.
Tăng cân quá ít có thể dẫn tới sinh non hoặc trẻ bị nhẹ cân (dưới 2.5kg khi sinh). Tăng cân ít có thể do chế độ ăn và cân nặng của bạn trước khi mang thai.
Mua giầy dép: Khi bụng bạn to hơn, chân bạn cũng sẽ to hơn. Tăng cân tự nhiên làm bạn mất trọng tâm, gây thêm áp lực lên ngón chân và bàn chân. Cơ thể bạn có thể giữ nước, làm bàn chân và mắt cá chân của bạn sưng lên. Do đó, bạn cần đi giầy, dép thoải mái, hạn chế đi giầy khi mang thai. Hãy để chân nghỉ ngơi nhiều, tránh làm bàn chân, cẳng chân và mắt cá chân bị sưng.
Đeo kính dâm
Có thai làm da bạn trở nên nhạy cảm hơn với ánh nắng mặt trời, và bạn dễ bị bắt nắng, gây ra các đốm mờ trên mặt. Hãy dùng kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên, đội mũ và đeo kính khi ra ngoài đường.
Khi nào Bạn cần gọi bác sĩ
Có thai có thể làm bạn bối rối, nhất là lần mang thai đầu. Vậy đâu là những biểu hiện bất thường mà bạn cần chú ý? Hãy tham vấn ý kiến của bác sĩ ngay nếu bạn có các triệu chứng sau:
- Đau ở bất kỳ bộ phận nào
- Chuột rút
- Có cơn co 20 phút/ 1 lần
- Chảy máu âm đạo hoặc rỉ ối
- Chóng mặt hoặc ngất
- Thở gấp
- Nhịp tim nhanh
- Nôn mửa liên tục
- Gặp vấn đề khi đi lại, bị phù (sưng khớp)
- Bé đạp ít đi
Để được tư vấn với bác sĩ chuyên khoa về quá trình mang thai hoặc đặt hẹn khám thai với bác sĩ sản khoa của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi về cho bác sĩ tại đây.