Tin Tức - T6, 10/05/2018 - 10:53
Cắm ghép Implant
Lần cập nhật cuối 10/05/2018 - 10:53
Cắm ghép implant là gì ?
Implant là phương pháp cấy ghép chân răng nhân tạo bằng titan vào trong xương và làm chụp lên trên chân răng nhân tạo đó để thay thế răng đã mất.
Phương pháp này cho phép thay thế một hoặc nhiều răng đã mất mà không làm ảnh hưởng đến các răng bên cạnh. Nhờ đó bệnh nhân sẽ có răng giả cố định và tiện dụng.
Chỉ một chiếc răng bị mất cũng có thể ảnh hưởng không tốt tới cả hàm răng. Nếu không được thay thế, đây sẽ là bước đầu tiên dẫn tới một chuỗi những bất ổn như tụt lợi hay mất răng liên tiếp.
Nếu bạn có implant, giống như tất cả bệnh nhân sở hữu implant khác, bạn cần tuân thủ chế độ vệ sinh răng miệng nghiêm ngặt và nên kiểm tra răng định kỳ.
Trồng răng khi nào?
Chân răng implant có thể được cấy ngay sau khi nhổ răng hoặc sau khi xương và lợi tại vị trí răng bị nhổ hồi phục.
Thủ thuật này thường đơn giản, ít gây đau và thường được thực hiện dưới gây tê tại chỗ giống như điều trị răng sâu.
Phần răng giả cố định sẽ được làm sau thời gian chờ xương tích hợp quanh chân răng trồng từ 2 đến 6 tháng. Trong một số trường hợp, nha sỹ có thể gắn răng tạm ngay sau khi cấy implant.
Chỉ định và chống chỉ định
Để cấy được implant, thể tích và chất lượng xương cần phải đủ. Các thông số này thường được đánh giá qua phim chụp cắt lớp. Tuy vậy, thể tích xương cũng có thể được cải thiện nhờ ghép xương. Các răng và lợi quanh vị trí cần cấy ghép implant cũng cần phải ở trong tình trạng khỏe mạnh.
Một số câu hỏi về y tế sẽ giúp sàng lọc những trường hợp chống chỉ định trồng răng như bệnh nhân đang xạ trị ở vùng mặt, bệnh nhân có nguy cơ cao về nhiễm trùng màng trong tim (nhiễm trùng van tim do vi khuẩn từ miệng).
Những trường hợp chống chỉ định tương đối thường là : vệ sinh răng miệng kém, hút thuốc lá, bệnh tiểu đường không được kiểm soát, dùng thuốc chống đông...
Phẫu thuật cấy ghép implant vào xương nghe có vẻ phức tạp. Tuy vậy, đây lại là một phẫu thuật không tốn nhiều thời gian và trong phần lớn các trường hợp, quá trình hồi phục sau phẫu thuật rất thuận lợi.
Cấy implant tại phòng nha
Việc cấy implant đòi hỏi phải được thực hiện trong phòng vô trùng - một phòng phẫu thuật chỉ dành riêng cho cấy ghép implant.
1. Kế hoạch điều trị
Mục đích tiên quyết của trồng implant là để tạo bệ đỡ cho răng giả phía trên nhằm tái lập lại thẩm mỹ và chức năng nhai. Do vậy, chính những dự kiến cho phuc hình răng giả trong tương lai sẽ định hướng cho vi trí trồng implant.
Với những ca đơn giản như trồng 1-2 răng thì kế hoạch điều trị khá dễ dàng. Tuy nhiên, với những trường hợp mất răng phức tạp, nha sỹ cần phải phân tích sâu, lên mẫu nhiều lần hoặc làm máng định vị nhằm dự kiến trước vị trí răng giả tương lai trên miệng hoặc trên mẫu.
Trong một số trường hợp, nha sỹ có thể sử dụng phần mềm chuyên dụng để lập kế hoạch điều trị.
Bên cạnh đó, nha sỹ sẽ khám lâm sàng nhằm đánh giá tình trạng vị trí cần trồng răng cũng như tìm và điều trị đồng thời các vấn đề viêm lợi hay sâu răng liên quan tới khoảng mất răng.
2. Kế hoạch can thiệp phẫu thuật
Nếu bệnh nhân đồng ý với kế hoạch điều trị, nha sỹ sẽ cân nhắc các hướng phẫu thuật phù hợp.
Thể tích xương sẽ được nha sỹ phân tích nhằm xác định liệu có cần thiết phải ghép xương hay không. Các phẫu thuật tiền implant ngày càng tân tiến giúp tái tạo lại thể tích xương trước khi trồng implant như:
- Phẫu thuật mở rộng mào xương hoặc ghép xương khối nhằm làm tăng độ dày, thể tích và chỉnh sửa đường viền của mào xương đã bị tiêu.
- Phẫu thuật ghép xoang làm tăng độ cao của xương giúp trồng răng được thuận lợi.
Chiều dài và đường kính của chân răng implant sẽ được quyết định trong giai đoạn này.
Kế hoạch phục hình phù hợp cùng việc chuẩn bị kỹ càng cho cuộc can thiệp phẫu là những yếu tố đảm bảo giúp đạt được kết quả tốt về thẩm mỹ và chức năng.
3. Cấy ghép implant
Phẫu thuật được thực hiện dưới gây tê tại chỗ. Nha sỹ rạch và tách lợi để tiếp cận tới vị trí xương sẽ trồng implant. Sau đó, bằng các mũi khoan có đường kính từ nhỏ tới lớn, nha sỹ tạo lỗ trong xương và cấy ghép implant vào đó.
Bước cuối cùng, nha sỹ vặn vít phủ implant và khâu đóng lợi.
4. Khâu đóng vị trí phẫu thuật
Sau khi implant đã được cấy vào trong xương, vùng phẫu thuật cần phải được khâu đóng cẩn thận để đảm bảo các điều kiện tốt nhất giúp xương có thể tích hợp hoàn toàn quanh implant.
Có hai cách khâu:
Cách 1: Implant được vùi hoàn toàn dưới lợi
Lợi được khâu kín lại như ban đầu. Với cách này, implant được bảo vệ hoàn toàn bên dưới lợi. Sau 2 đến 6 tháng, đầu implant ở dưới lợi sẽ được bộc lộ để làm phục hình răng giả.
Cách 2: Không vùi hoàn toàn implant dưới lợi
Lợi được khâu lại nhưng để hở đầu implant trên mặt lợi. Lợi sẽ liền xung quanh implant. Kỹ thuật này giúp bỏ qua được bước can thiệp bộc lộ đầu implant, tuy nhiên implant lại không được bảo vệ tốt trong quá trình xương tích hợp. Chỉ trong những trường hợp thuận lợi nha sỹ mới lựa chọn cách này.
5. Thời hạn chờ để làm phục hình răng giả trên implant
Thông thường sau thời gian chờ tầm từ 2 đến 6 tháng để xương tích hợp tốt quanh implant, nha sỹ sẽ tiến hành làm răng giả trên implant.
Thời gian chờ ngày càng được rút ngắn nhờ vào sự phát triển của kỹ thuật cấy ghép implant. Trong 1 vài trường hợp, nha sỹ có thể làm răng tạm trên implant ngay sau khi trồng. Điều này cho phép đảm bảo tính thẩm mỹ cho bệnh nhân, nhất là trong các trường hợp trồng răng cửa.
Để làm chụp vĩnh viễn trên implant, nha sỹ sẽ phải lấy mẫu, thử chụp trên miệng và cuối cùng là bắt vít hoặc gắn chụp lên chân implant.
Bảo trì implant
Giống như chăm sóc răng thật, bệnh nhân cần phải có chế độ vệ sinh răng miệng kỹ càng và kiểm tra răng định kỳ nhằm đảm bảo răng implant luôn chắc khỏe.
Biến chứng của cấy ghép implant
- Nhiễm trùng: giống răng thật, xương và lợi quanh răng implant cũng có thể bị tiêu đi. Hiện tượng nhiễm trùng quanh implant này thường do vệ sinh không tốt.
- Biến chứng cơ học: implant hoặc vít nối giữa chụp với implant có thể bị gẫy vỡ. Biến chứng này thường ít xảy ra.
Phòng ngừa biến chứng
- Để phòng ngừa biến chứng nhiễm trùng, bạn cần vệ sinh thật kỹ phần tiếp giáp giữa lợi và implant ít nhất 2 lần/ ngày bằng bàn chải thường và các dụng cụ chăm sóc kẽ răng (chỉ nha khoa hoặc bàn chải kẽ) kết hợp với làm sạch răng một hoặc nhiều lần một năm tại phòng khám nha theo chỉ định của bác sỹ.
- Phòng ngừa biến chứng cơ học bằng cách kiểm tra khớp cắn thường xuyên, nha sỹ sẽ mài nhẹ chụp trên implant hoặc các răng liên quan trong trường hợp cần thiết.
Để được tư vấn với BS. Victor Sarafian, vui lòng liên hệ theo số: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi về cho chúng tôi tại đây