Knowledge - CN, 11/05/2023 - 14:26
Nội soi dạ dày, quy trình và phương pháp mới hiện nay
Lần cập nhật cuối 11/15/2024 - 17:07
Nội soi dạ dày là phương pháp phổ biến để chẩn đoán các bệnh bên trong dạ dày-tá tràng. Với các kỹ thuật hiện đại, quy trình nội soi dạ dày ngày càng đơn giản. Tìm hiểu trong bài viết sau để biết rõ về phương pháp này và các chỉ định cần lưu ý.
Nội soi dạ dày là gì?
Nội soi dạ dày là một thủ thuật y khoa sử dụng một ống soi mỏng, linh hoạt có gắn camera để quan sát và kiểm tra bên trong thực quản, dạ dày và tá tràng.
Thủ thuật này giúp bác sĩ chẩn đoán và điều trị các bệnh lý tiêu hóa như viêm dạ dày, loét dạ dày, trào ngược dạ dày thực quản (GERD), ung thư dạ dày, và các bất thường khác.
Nội soi dạ dày cũng cho phép lấy mẫu sinh thiết để xét nghiệm, cắt bỏ polyp và điều trị các tổn thương nhỏ.
Quá trình nội soi thường bao gồm nội soi dạ dày gây mê tại chỗ hoặc an thần để giảm thiểu cảm giác khó chịu cho bệnh nhân.
Nội soi dạ dày có thể giúp bạn phát hiện được nhiều căn bệnh liên quan đến dạ dày, có thể kể đến như:
- Viêm hoặc viêm loét dạ dày
- Trào ngược dạ dày
- Phát hiện dị vật nằm bên trong dạ dày
- Xuất huyết bao tử
- Polyp dạ dày
- Ung thư dạ dày
Ai cần nội soi dạ dày?
Bác sĩ thường chỉ định nội soi dạ dày cho những người có các triệu chứng hoặc yếu tố nguy cơ sau đây:
- Triệu chứng bệnh đường tiêu hóa kéo dài: Đau bụng kéo dài hoặc tái phát; Buồn nôn hoặc nôn mửa không rõ nguyên nhân; Khó nuốt hoặc nuốt đau; Đầy hơi, chướng bụng; Ợ nóng, ợ chua thường xuyên.
- Xuất huyết tiêu hóa: Nôn ra máu hoặc có máu trong chất nôn; Phân đen hoặc có máu trong phân.
- Sụt cân không rõ nguyên nhân: Sụt cân đột ngột hoặc không có lý do rõ ràng.
- Thiếu máu không rõ nguyên nhân: Thiếu máu kéo dài mà không tìm được nguyên nhân.
- Tầm soát ung thư dạ dày: Người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày; Người trên 50 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ cao.
- Theo dõi và điều trị các bệnh lý đã biết: Viêm dạ dày, loét dạ dày, tá tràng; Trào ngược dạ dày thực quản (GERD), Polyp dạ dày.
- Sau phẫu thuật dạ dày: Theo dõi sau phẫu thuật dạ dày để kiểm tra sự hồi phục và phát hiện các biến chứng.
- Kiểm tra dị vật: Nuốt phải các vật lạ như xương cá, hạt trái cây hoặc các vật dụng nhỏ.
Ngay cả với người bình thường, không có triệu chứng bất thường về tiêu hoá, nội soi dạ dày cũng là thủ thuật cần được thực hiện định kỳ để kiểm tra sức khoẻ đường tiêu hoá, phát hiện sớm các nguy cơ.
Nội soi dạ dày được thực hiện như thế nào?
Hiện nay, các cách nội soi dạ dày được sử dụng phổ biến là nội soi qua đường miệng, nội soi qua đường mũi, nội soi gây mê và nội soi tiền mê.
Mỗi phương pháp nội soi trên đây đều có những ưu và nhược điểm riêng, nhưng về cơ bản, các cách thực hiện các phương pháp này đều tuân theo một quy trình nội soi dạ dày chung.
Tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, nội soi dạ dày được thực hiện trong 6 bước như sau:
Bước 1: Đặt lịch tư vấn với bác sĩ
Đặt lịch nội soi, đặt lịch tư vấn với bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa, chuẩn bị trước quá trình nội soi theo dặn dò của bác sĩ.
Với nội soi đại tràng, bác sĩ hướng dẫn bệnh nhân uống thuốc để làm sạch đại tràng trước khi nội soi.
Bước 2: Bác sĩ gây mê kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa
Bác sĩ gây mê kiểm tra tiền sử bệnh nội, ngoại khoa của bệnh nhân, và cả các loại thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng.
Bệnh nhân cần thông báo cho bác sĩ gây mê biết nếu đang sử dụng bất kỳ thuốc hay thực phẩm chức năng nào.
Bước 3: Ký giấy xác nhận nội soi
Bệnh nhân ký giấy xác nhận và hỏi bác sĩ chi tiết về quá trình nội soi.
Bước 4: Tiến hành nội soi
Khi nội soi dạ dày, bệnh nhân sẽ nằm nghiêng bên trái. Thiết bị theo dõi sẽ được gắn trên người bệnh nhân để theo dõi nhịp thở, huyết áp và nhịp tim của bệnh nhân.
Khi ống nội soi đi qua thực quản và xuống dạ dày, một camera rất nhỏ ở đầu ống nội soi sẽ truyền hình ảnh bên trong tới một màn hình bên ngoài. Bác sĩ sẽ quan sát hình ảnh trên màn hình để tìm các bất thường bên trong đường tiêu hóa trên. Nếu phát hiện có bất thường, bác sĩ có thể chụp và ghi lại để kiểm tra.
Có thể không khí sẽ được bơm nhẹ vào thực quản của bệnh nhân để làm căng phồng ống tiêu hoá, giúp cho ống nội soi di chuyển dễ dàng hơn và bác sĩ có thể quan sát rõ hơn những nếp gấp của ống tiêu hoá.
Không khí bơm vào có thể làm cho bệnh nhân có cảm giác căng tức hoặc đầy hơi.
Khi cần, bác sĩ có thể luồn những dụng cụ chuyên biệt qua ống nội soi để lấy mẫu sinh thiết hay thực hiện những thủ thuật điều trị như nong, cắt polyp, điều trị xuất huyết… tùy thuộc vào bệnh lý được phát hiện trong quá trình nội soi.
Sau khi nội soi xong, bác sĩ sẽ nhẹ nhàng rút ống nội soi ra khỏi miệng. Tổng thời gian chuẩn bị và nội soi dạ dày thường kéo dài khoảng 20 phút, tùy vào tình trạng bệnh lý của bệnh nhân.
Bước 5: Phụ hồi sau nội soi
Để phục hồi sau nội soi dạ dày gây mê, bệnh nhân được chuyển sang phòng hồi tỉnh rồi về khu lưu viện trong ngày để nghỉ ngơi và theo dõi trong một vài giờ sau khi nội soi cho đến khi thuốc gây mê hết tác dụng hoàn toàn.
Bệnh nhân lớn tuổi cần có người thân đưa về nhà và ở cùng với bệnh nhân nhiều giờ sau đó.
Bước 6: Nhận kết quả và tư vấn
Nhận kết quả nội soi. Bác sĩ sẽ đọc kết quả sau khi bệnh nhân hoàn toàn thoát mê.
Nếu trong quá trình nội soi có làm sinh thiết thì mẫu sinh thiết sẽ được gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để chẩn đoán dưới kính hiển vi. Kết quả sinh thiết sẽ có trong vòng 3 đến 5 ngày.
Bệnh nhân sẽ được xếp lịch hẹn tái khám hoặc bệnh viện sẽ thông báo kết quả sinh thiết cho bệnh nhân qua điện thoại, email hoặc qua Zalo.
Tần suất nội soi dạ dày bao lâu là phù hợp?
Tần suất nội soi dạ dày hay khoảng cách giữa 2 lần nội soi dạ dày phụ thuộc vào tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý và yếu tố nguy cơ của từng cá nhân. Dưới đây là một số hướng dẫn chung:
- Người khỏe mạnh, không có triệu chứng: Thường nên đi nội soi định kỳ 6 tháng đến 1 năm một lần để kiểm tra sức khoẻ đường tiêu hoá.
- Người có triệu chứng tiêu hóa kéo dài: Nếu có các triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, khó nuốt, ợ nóng kéo dài, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định tần suất nội soi phù hợp.
- Người có tiền sử bệnh lý dạ dày: Viêm dạ dày, loét dạ dày, tá tràng: Nên nội soi kiểm tra theo chỉ định của bác sĩ, thường mỗi 1-2 năm để theo dõi và quản lý bệnh.
- Trào ngược dạ dày thực quản (GERD): Tần suất nội soi trào ngược dạ dày tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và đáp ứng điều trị, thường mỗi 2-3 năm.
- Người có tiền sử gia đình bị ung thư dạ dày hoặc yếu tố nguy cơ cao:Thường mỗi 1-2 năm tùy theo yếu tố nguy cơ và tiền sử gia đình.
- Người trên 50 tuổi: Đối với những người trên 50 tuổi hoặc có yếu tố nguy cơ, nên tham khảo ý kiến bác sĩ để xác định tần suất nội soi phù hợp, thường mỗi 2-3 năm.
- Sau phẫu thuật dạ dày: Nên nội soi theo chỉ định của bác sĩ để theo dõi sự hồi phục và phát hiện biến chứng, thường mỗi 6-12 tháng trong vài năm đầu sau phẫu thuật.
Tần suất nội soi dạ dày cần được cá nhân hóa dựa trên tình trạng sức khỏe, tiền sử bệnh lý và yếu tố nguy cơ của từng người. Hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để có kế hoạch kiểm tra và tầm soát phù hợp nhằm bảo vệ sức khỏe tiêu hóa.
Nội soi dạ dày có đau không?
Nội soi dạ dày thường không gây đau đớn nhờ vào việc sử dụng các biện pháp giảm đau và an thần. Tuy nhiên, cảm giác khó chịu nhẹ có thể xảy ra. Dưới đây là một số phương pháp nội soi dạ dày mới giảm cảm giác đau và khó chịu cho người bệnh:
- Nội soi dạ dày gây mê
- Nội soi tiêu hóa công nghệ NBI
- Nội soi dạ dày bằng viên nang
Nội soi dạ dày thường không gây đau đớn do có sự hỗ trợ của thuốc tê, an thần hoặc gây mê. Mức độ khó chịu có thể khác nhau tùy thuộc vào từng người, nhưng hầu hết bệnh nhân chỉ cảm thấy khó chịu nhẹ.
Việc thảo luận với bác sĩ trước khi thực hiện nội soi sẽ giúp bạn hiểu rõ quy trình và các biện pháp giảm đau được áp dụng để đảm bảo sự thoải mái tối đa.
Kinh nghiệm đi khám nội soi dạ dày bạn cần biết
Dưới đây là một số kinh nghiệm giúp bạn có trải nghiệm khám nội soi nhẹ nhàng, trơn tru và nhanh chóng. Đặc biệt, nếu đây là lần soi dạ dày đầu tiên thì bạn đừng nên bỏ qua những lưu ý khi đi nội soi dạ dày này nhé.
- Giữ bình tĩnh: Hiểu rằng nội soi dạ dày là một thủ thuật phổ biến và an toàn, giúp chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý tiêu hóa.
- Tìm hiểu thông tin: Nắm rõ quy trình nội soi, những gì sẽ diễn ra và các biện pháp giảm đau hoặc an thần để bạn cảm thấy yên tâm hơn.
- Nhịn ăn: Nhịn ăn ít nhất 6-8 giờ trước khi nội soi dạ dày để đảm bảo dạ dày trống rỗng.
- Thông báo về thuốc: Thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang sử dụng để được hướng dẫn ngừng sử dụng nếu cần thiết.
- Tránh thuốc và thực phẩm: Tránh dùng các loại thuốc và thực phẩm có thể ảnh hưởng đến kết quả nội soi như thuốc kháng axid, NSAIDs, đồ uống có cồn.
- Trang phục rộng rãi: Mặc quần áo thoải mái để tiện lợi cho quá trình khám và nội soi.
- Trang sức và phụ kiện: Tránh đeo trang sức, đồng hồ hoặc các phụ kiện khác có thể gây cản trở.
- Đi cùng người thân: Nếu nội soi dạ dày/đại tràng gây mê, hãy nhờ người thân hoặc bạn bè đi cùng để hỗ trợ sau khi nội soi xong, vì bạn có thể cảm thấy buồn ngủ hoặc chóng mặt đôi chút sau khi nội soi. Khi đó, có thể bạn sẽ cần người thân hỗ trợ để di chuyển về nhà.
- Thảo luận với bác sĩ: Thảo luận trước về các phương pháp gây tê hoặc an thần để chọn phương pháp phù hợp nhất với bạn.
- Lưu ý khi sử dụng thuốc: Tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ về việc sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê.
- Nghỉ ngơi: Dành thời gian nghỉ ngơi sau khi nội soi, tránh làm việc nặng nhọc hoặc lái xe ít nhất 24 giờ nếu bạn đã sử dụng thuốc an thần hoặc gây mê.
- Theo dõi triệu chứng: Theo dõi các triệu chứng sau khi nội soi và liên hệ với bác sĩ ngay nếu có biểu hiện bất thường như đau bụng dữ dội, nôn ra máu hoặc sốt cao.
- Kết quả và điều trị: Lắng nghe và tuân thủ các hướng dẫn của bác sĩ về kết quả nội soi và phương pháp điều trị nếu có.
- Chế độ ăn uống và sinh hoạt: Tuân thủ chế độ ăn uống và sinh hoạt sau nội soi theo hướng dẫn của bác sĩ để hỗ trợ quá trình hồi phục.
Nội soi dạ dày tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sử dụng các thiết bị tiên tiến như máy nội soi đời mới Olympus Evis Exera III CV-190 với công nghệ NBI (Narrow Band Imaging) tích hợp, mang lại hình ảnh nội soi rõ nét.
Để đặt lịch nội soi tiêu hoá tại Bệnh viện Việt Pháp, bạn vui lòng liên hệ hotline (84-24) 3577 1100.Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, chúng tôi tuân thủ tiêu chuẩn chặt chẽ về kiểm soát chống nhiễm khuẩn, đảm bảo an toàn cũng như giảm thiểu nguy cơ nhiễm khuẩn cho người bệnh. Tất cả các thiết bị và dụng cụ được xử lý khử trùng theo quy trình nghiêm ngặt nhất của châu u.
Bác sĩ điều trị sẽ chăm sóc và theo dõi người bệnh theo từng giai đoạn điều trị từ thăm khám, chẩn đoán, nội soi, nằm viện và theo dõi tái khám.
Bệnh viện Việt Pháp thực hiện nội soi tiêu hoá tại khu vực phòng mổ dưới gây mê toàn thân để đảm bảo người bệnh cảm thấy thoải mái nhất có thể. Với hầu hết các trường hợp nội soi, người bệnh sẽ lưu lại tại khu lưu viện trong ngày và có thể ra về sau vài giờ theo dõi.
Bệnh viện thực hiện một số dịch vụ nội soi phổ biến sau:
- Thủ thuật nội soi thường quy:
- Nội soi dạ dày
- Nội soi đại tràng
- Nội soi trực tràng/ hậu môn
Bài viết trên đã đề cập đầy đủ và chính xác nhất những thông tin liên quan đến nội soi dạ dày với bệnh nhân và bạn đọc. Nếu như muốn đặt lịch khám hay nghe tư vấn sức khỏe từ chuyên gia, các bạn hãy liên hệ qua số hotline và website để được hỗ trợ kịp thời.