News - T5, 10/31/2024 - 09:21
BỆNH RUNG NHĨ VÀ NHỮNG BIẾN CHỨNG NGUY HIỂM
Lần cập nhật cuối 10/31/2024 - 14:55
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến, ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới, số người mắc loại rối loạn nhịp tim này đang tăng nhanh do già hóa dân số. Vì vậy, câu hỏi “Bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không?” ngày càng được đông đảo độc giả quan tâm.
Rung nhĩ là gì?
Ở người bình thường, khi hai tâm nhĩ co lại, máu được tống từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Trong bệnh lý rung nhĩ, hai tâm nhĩ không co bóp đều đặn theo nhịp mà rung hỗn loạn, khiến máu không lưu thông tốt xuống tâm thất và ứ đọng trong tâm nhĩ.
Rung nhĩ thường xuất hiện ở những người trên 60 tuổi, và tỷ lệ mắc bệnh này tăng dần theo tuổi. Tại Việt Nam, có khoảng 3,9% người cao tuổi bị rung nhĩ. Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, cường giáp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Bệnh rung nhĩ có nguy hiểm không?
Rung nhĩ có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Dưới đây là lý do khiến rung nhĩ là một trong những rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất.
Tăng nguy cơ đột quỵ
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ là đột quỵ. Theo Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ, những người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ cao gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh này.
Nguyên nhân là do trong bệnh lý rung nhĩ, máu ứ đọng làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông trong nhĩ trái. Khi thoát ra khỏi tâm nhĩ, cục máu đông này có thể di chuyển tới mạch máu não và có nguy cơ bị kẹt lại, gây cản trở dòng máu tới nuôi dưỡng các tế bào não. Hậu quả là một vùng não bị thiếu oxy và tổn thương, tình trạng này gọi là đột quỵ.
Theo ThS. BS. Sabrina Stefanizzi Debuc – Điều phối Trung tâm Dự phòng bệnh lý Tim Mạch, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, các trường hợp đột quỵ do rung nhĩ thường nghiêm trọng, có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, để lại nhiều di chứng nặng nề hơn, tỷ lệ tử vong cũng cao hơn so với các trường hợp đột quỵ do nguyên nhân khác.
Dẫn đến suy tim và các loại rối loạn nhịp tim khác nặng nề hơn
Trong bệnh lý rung nhĩ, máu từ tâm nhĩ không được lưu thông hiệu quả xuống tâm thất nên tim phải co bóp nhanh hơn để duy trì lưu lượng máu cần thiết cho cơ thể. Điều này khiến cơ tim bị suy yếu theo thời gian và dẫn đến suy tim. Do đó, những người mắc chứng rung nhĩ có nguy cơ bị suy tim cao hơn 3 - 4 lần so với người bình thường.
Khi người bệnh bị suy tim, các cơ quan trong cơ thể không nhận đủ oxy và chất dinh dưỡng. Hậu quả là người bệnh cảm thấy mệt mỏi, khó thở, hạn chế thực hiện các hoạt động gắng sức.
Bên cạnh đó, rung nhĩ không được theo dõi và điều trị đúng cách còn có thể dẫn đến giãn nhĩ và xơ hóa. Những thay đổi cấu trúc tim này làm giảm thành công trong điều trị rung nhĩ, khiến rung nhĩ tiến triển thành rung nhĩ dai dẳng hoặc vĩnh viễn.
Suy giảm nhận thức và trí nhớ
Người bị bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị suy giảm nhận thức và trí nhớ cao hơn 40% so với người bình thường. Nguyên nhân là do rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ, từ đó dẫn đến thiếu máu não cục bộ, tổn thương nhu mô não và phát triển bệnh Alzheimer hoặc các dạng suy giảm trí nhớ khác.
Ngoài ra, người mắc chứng rung nhĩ còn bị thiếu máu não mạn tính vì máu không được lưu thông nhịp nhàng và hiệu quả. Hậu quả là theo thời gian, các tế bào não của người bệnh bị tổn thương và tăng nguy cơ suy giảm trí nhớ cũng như suy giảm nhận thức.
Ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống
Rung nhĩ không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe thể chất mà còn gây ra những tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Một nghiên cứu do Hiệp hội Tim mạch châu Âu thực hiện cho thấy, hơn 70% bệnh nhân rung nhĩ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi và lo lắng về sức khỏe của bản thân. Điều này khiến họ giảm hiệu suất làm việc, bị rối loạn giấc ngủ, thậm chí mắc chứng rối loạn lo âu và trầm cảm. Khoảng 34,9% bệnh nhân rung nhĩ có mức độ lo âu cao và 20,2% có mức độ trầm cảm cao.
Phòng ngừa các biến chứng nguy hiểm của rung nhĩ
Mặc dù có thể dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm, người bệnh có thể kiểm soát tốt bệnh lý rung nhĩ bằng cách:
- Đi khám chuyên khoa tim mạch ngay khi có triệu chứng bất thường như đánh trống ngực, đau ngực, khó thở, chóng mặt… để phát hiện bệnh kịp thời.
- Sử dụng thuốc theo hướng dẫn của bác sĩ để kiểm soát nhịp tim, ngăn ngừa cục máu đông, giảm thiểu nguy cơ đột quỵ và suy tim.
- Thăm khám chuyên khoa thần kinh để được đánh giá nguy cơ đột quỵ và hướng dẫn cách phòng tránh đột quỵ.
- Tái khám theo đúng lịch hẹn để bác sĩ đánh giá hiệu quả điều trị và điều chỉnh phác đồ điều trị phù hợp nhất với người bệnh.
- Trong trường hợp rung nhĩ không đáp ứng tốt với thuốc, người bệnh có thể cân nhắc và trao đổi với bác sĩ về các phương pháp can thiệp như triệt đốt rung nhĩ hoặc đặt máy tạo nhịp.
- Kiểm soát tốt cân nặng, duy trì chế độ ăn uống lành mạnh, tập thể dục đều đặn, hạn chế rượu bia và thuốc lá.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (HFH) được trang bị máy móc, trang thiết bị hiện đại và đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch đầu ngành, giúp người bệnh phát hiện nguy cơ rung nhĩ chỉ với một lần đọc kết quả điện tâm đồ. Nếu phát hiện nguy cơ rung nhĩ, người bệnh sẽ được tư vấn lộ trình điều trị với sự phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu.
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ hoặc đặt lịch khám với TS. BS. Alain Lebon cũng như các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.