News - T6, 10/25/2024 - 11:25
NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGUYÊN NHÂN CỦA RỐI LOẠN NHỊP TIM
Lần cập nhật cuối 10/25/2024 - 11:40
Rối loạn nhịp tim là tình trạng bất thường về nhịp tim, có thể được phát hiện tình cờ khi khám sức khỏe hoặc biểu hiện nhiều triệu chứng bất thường như đánh trống ngực, khó thở, đau ngực, chóng mặt, ngất xỉu. Bài viết dưới đây sẽ giúp quý độc giả hiểu được nguyên nhân của rối loạn nhịp tim.
Nhịp tim bình thường được hình thành như thế nào?
Ở người khỏe mạnh, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/ phút nhờ có một mạch điện đặc biệt, gọi là hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra các xung điện, khiến cơ tim co lại và duỗi ra nhịp nhàng, đồng thời kiểm soát tốc độ và nhịp điệu của nhịp tim.
Với mỗi nhịp đập, một xung điện được khởi phát ở nút xoang, nằm ở tâm nhĩ phải, thuộc phần trên của tim. Sau đó, xung điện sẽ lan sang tâm nhĩ trái và tới nút nhĩ thất nằm ở phía trên và giữa vách liên thất. Tiếp đó, bó His và các nhánh của bó His nhận xung điện từ nút nhĩ thất rồi dẫn truyền xung điện cho tâm thất trái, tâm thất phải, đồng thời ngăn cản sự dẫn truyền ngược lên nhĩ. Cuối cùng, mạng Purkinje là phần tận cùng của bó His, nằm ở lớp dưới nội tâm mạc giúp hai tâm thất co bóp đồng bộ. Kết quả của quá trình dẫn truyền xung điện là các buồng tim lần lượt co bóp theo thứ tự và máu được bơm từ tim tới các cơ quan trong cơ thể.
Trong bệnh lý rối loạn nhịp tim, nút xoang hoặc hệ thống dẫn truyền tim bị tổn thương khiến các xung điện dẫn truyền bất thường. Cũng có trường hợp tim xuất hiện thêm một vị trí khởi phát xung điện hoặc đường dẫn truyền thứ hai, làm gián đoạn nhịp tim bình thường.
Nguyên nhân của rối loạn nhịp tim là gì?
Có nhiều nguyên nhân khác nhau dẫn đến rối loạn nhịp tim, trong đó phổ biến nhất là 5 nguyên nhân dưới đây.
Bất thường bẩm sinh của hệ thống dẫn truyền tim
Một số người được sinh ra với hệ thống dẫn truyền tim bất thường, ví dụ như hội chứng Wolff-Parkinson-White. Người mắc hội chứng này có một đường dẫn truyền phụ từ tâm nhĩ xuống tâm thất, khiến tim đập không theo nhịp của hệ thống dẫn truyền bình thường.
Người mắc hội chứng Wolff-Parkinson-White thường không có triệu chứng bất thường trên lâm sàng cũng như điện tâm đồ, và có thể sống khỏe mạnh nhiều năm. Tuy nhiên, hàng năm có khoảng 1-2% ca bệnh tiến triển thành rối loạn nhịp tim dạng nhịp nhanh kịch phát trên thất, rung nhĩ hoặc rung thất.
Có bệnh lý tim mạch bẩm sinh hoặc mắc phải
Các bệnh lý tim bẩm sinh gây ra những bất thường trong cấu trúc, hoạt động của tim, từ đó tăng nguy cơ dẫn đến rối loạn nhịp tim. Chẳng hạn, trong bệnh lý loạn sản thất phải gây loạn nhịp tim (ARVD), người bệnh được sinh ra với trái tim bình thường. Tuy nhiên theo thời gian, cơ tim bị thay thế dần dần bởi mô mỡ và mô sẹo, từ đó ảnh hưởng đến hệ thống dẫn truyền tim. Người mắc bệnh lý di truyền này có nguy cơ bị nhịp nhanh thất và đột tử ngay từ khi còn trẻ.
Bên cạnh các bệnh lý tim bẩm sinh, một số bệnh lý tim mạch mắc phải cũng có thể là nguyên nhân của rối loạn nhịp tim. Ví dụ, sau khi bị nhồi máu cơ tim, một phần cơ tim bị tổn thương không hồi phục, mất chức năng và chuyển thành mô sẹo. Mô sẹo này có thể trở thành một đoạn mạch ngắn khiến xung điện bị dẫn truyền chệch hướng, từ đó tạo ra rối loạn nhịp tim dạng nhịp nhanh thất.
Tim bị lão hóa
Giống như các cơ quan khác trên cơ thể, tim cũng lão hóa dần theo năm tháng. Quá trình lão hóa khiến hệ dẫn truyền tim suy yếu và hoạt động bất thường. Điển hình nhất là rung nhĩ, loại rối loạn nhịp tim này có tỷ lệ mắc tăng dần theo tuổi. Cụ thể, tỷ lệ mắc rung nhĩ khoảng 0,3% ở những người 40 tuổi, 5-9% ở độ tuổi 60-80 và 10% ở người trên 80 tuổi.
Bệnh lý của các cơ quan khác trong cơ thể
Bên cạnh các nguyên nhân gây tổn thương trực tiếp hệ dẫn truyền tim, rối loạn nhịp tim có thể xuất phát từ bệnh lý của của các cơ quan khác trong cơ thể. Bệnh lý cường giáp có thể dẫn đến nhịp nhanh xoang hoặc rung nhĩ. Mất cân bằng các chất điện giải trong cơ thể như kali, canxi, magie cũng là một nguyên nhân của rối loạn nhịp tim.
Một số loại thuốc
Nhiều loại thuốc đang được sử dụng rộng rãi hiện nay có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng rối loạn nhịp tim. Một số thuốc huyết áp, thuốc hướng thần, thuốc điều trị ung thư… có thể gây ra nhịp nhanh thất. Các loại thuốc kháng sinh, thuốc chống dị ứng, thuốc cảm cũng có thể làm tăng nguy cơ bị rối loạn nhịp tim ở một số người. Vì vậy, người bệnh không nên tự ý dùng thuốc mà cần tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ khi điều trị bất kỳ bệnh lý nào.
Xác định nguyên nhân của rối loạn nhịp tim
Xác định chính xác nguyên nhân của rối loạn nhịp tim là yếu tố kiên quyết để điều trị hiệu quả bệnh lý này. Trước tiên, bác sĩ sẽ thăm khám lâm sàng và khai thác tiền sử của người bệnh về các bệnh lý từng mắc phải, các loại thuốc đang sử dụng hoặc các phẫu thuật từng thực hiện. Sau đó, tùy theo từng trường hợp, người bệnh sẽ thực hiện các xét nghiệm cần thiết để chẩn đoán bệnh như điện tâm đồ, siêu âm tim, holter điện tim, chụp mạch vành, xét nghiệm máu…
Không chỉ có đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao và giàu kinh nghiệm, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội còn được trang bị đầy đủ các thiết bị hiện đại nhằm phục vụ chẩn đoán nhanh chóng, chính xác bệnh lý rối loạn nhịp tim cho người bệnh: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, siêu âm tim gắng sức, holter điện tim, chụp mạch vành… Ngoài ra, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội tự hào sở hữu hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất - đầu tiên tại Việt Nam, giúp đem lại kết quả chẩn đoán chính xác trong thăm dò điện sinh lý.
Phòng tránh rối loạn nhịp tim
Rối loạn nhịp tim gồm nhiều loại rối loạn khác nhau, trong đó với một số bệnh, triệu chứng thường biểu hiện kín đáo, khó nhận biết. Vì vậy, biện pháp đầu tiên để phòng tránh rối loạn nhịp tim là theo dõi, kiểm tra sức khỏe thường xuyên và đi khám sớm khi có dấu hiệu bất thường, không nên chủ quan và trì hoãn.
Đối với người có bệnh lý tim mạch (ví dụ bệnh cơ tim, dị tật tim bẩm sinh, nhồi máu cơ tim…), bệnh tuyến giáp (cường giáp, suy giáp), bệnh lý đường hô hấp (ví dụ bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính - COPD) hoặc bệnh thận, cần tuân thủ kế hoạch điều trị của bác sĩ và tái khám định kỳ. Đây là những bệnh có nguy cơ gây ra rối loạn nhịp tim nếu không được điều trị đúng cách và theo dõi thường xuyên.
Ngoài ra, để bảo vệ trái tim khỏe mạnh và ngăn ngừa bệnh lý rối loạn nhịp tim, nên duy trì chế độ dinh dưỡng lành mạnh với nhiều rau xanh, trái cây, ngũ cốc và hạn chế ăn mặn cũng như các thực phẩm chế biến sẵn. Thường xuyên tập thể dục để duy trì cân nặng hợp lý; hạn chế căng thẳng, lo lắng; đồng thời tránh sử dụng rượu bia, cà phê, thuốc lá.
Để được tư vấn về bệnh lý rối loạn nhịp tim hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.