Tin Tức - T3, 10/17/2017 - 09:57
Vi khuẩn H.pylori: Phòng ngừa ung thư dạ dày
Lần cập nhật cuối 10/18/2017 - 10:38
Khoảng 2/3 dân số thế giới nhiễm vi khuẩn H.Pylori. Chữ H là viết tắt của từ Helicobacter - được gọi như vậy là do vi khuẩn này có hình dạng xoắn ốc (« helico », tương tự như từ “helicopter- máy bay trực thăng” nghĩa là “xoắn ốc”)
Trong một vài trường hợp, nhiễm vi khuẩn H.Pylori (HP) có thể gây ra các vấn đề như loét dạ dày hoặc tá tràng. Tá tràng là một phần nhỏ của ruột non nối với dạ dày. Nhiễm vi khuẩn H.P cũng liên quan đến ung thư dạ dày và viêm dạ dày.
Ung thư dạ dày là loại ung thư phổ biến thứ 5 trên toàn thế giới và phổ biến thứ 3 ở Châu Á, trong đó có Việt Nam với tỷ lệ mắc ở Hà Nội cao gấp 1,5 lần so với Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2017.
Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ
Nhiễm khuẩn HP được cho là lây từ người này sang người khác qua đường miệng. Nó cũng có thể được truyền từ phân đến miệng nếu không rửa tay sạch sẽ sau khi đi vệ sinh.
Trẻ em là đối tượng dễ bị nhiễm vi khuẩn HP, thường là do vệ sinh chưa tốt. Nguy cơ nhiễm khuẩn gắn liền với môi trường và điều kiện sống.
Triệu chứng của nhiễm khuẩn HP
Triệu chứng bao gồm đau bụng, thường xảy ra lúc đói, về đêm hoặc vài giờ sau bữa ăn. Đau kiểu cồn cào rồi lại thôi, có thể xuất hiện rồi biến mất. Bệnh nhân sẽ hết đau sau khi ăn hoặc dùng thuốc kháng acid.
Nếu bạn có triệu chứng đau như trên hoặc đau dữ dội mà không hết, bạn nên đến khám với bác sỹ đa khoa hoặc bác sỹ tiêu hóa.
Một số triệu chứng khác có thể liên quan đến vi khuẩn HP:
- Buồn nôn hoặc nôn
- Ợ hơi nhiều
- Cảm thấy đầy bụng
- Ăn không ngon miệng hoặc sút cân
Dù những triệu chứng khá hay gặp nhưng nếu bạn có một trong những biểu hiện trên hoặc chúng làm bạn lo lắng, tốt hơn hết là bạn nên đi khám bác sĩ. Bác sĩ cũng cần biết bạn trong phân có máu hoặc đi ngoài phân đen hay không?
Chẩn đoán nhiễm khuẩn HP
Chẩn đoán được thực hiện qua nội soi dạ dày: một ống soi mỏng và dài sẽ được đưa xuống dạ dày và tá tràng qua đường miệng. Thiết bị camera gắn trên ống soi sẽ ghi lại những hình ảnh quan sát được và đưa lên màn hình máy tính. Bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám những vùng có bất thường, và có thể sử dụng các dụng cụ đặc biệt kèm với ống soi để lấy mẫu bệnh phẩm (làm sinh thiết) nếu cần.
Làm thế nào để phòng ung thư dạ dày?
Ung thư dạ dày, loét tá tràng và dạ dày liên quan đến nhiễm khuẩn HP. Bác sỹ có thể yêu cầu nội soi dạ dày với những bệnh nhân có người thân trong gia đình bị ung thư dạ dày hoặc loét dạ dày tá tràng. Điều trị nội khoa có thể chữa khỏi loét, từ đó có thể làm giảm nguy cơ tiến triển thành ung thư dạ dày. Tóm lại, « không có khuẩn HP, không ung thư »
Điều trị nhiễm vi khuẩn HP
Điều trị nội khoa thường cần kết hợp ba loại kháng sinh khác nhau, kèm theo một loại thuốc khác để giảm tiết acid trong dạ dày. Việc làm giảm dịch acid trong dạ dày sẽ giúp kháng sinh có tác dụng hơn. Đa số các trường hợp nhiễm khuẩn HP chỉ cần một lần điều trị, nhưng đôi khi phải dùng thêm nhiều loại thuốc khác. Sau khi kết thúc điều trị, người bệnh có thể làm xét nghiệm kiểm tra khuẩn HP qua hơi thở.
Nhiều người bị nhiễm khuẩn HP mà không có triệu chứng. Với những người có triệu chứng và đã được điều trị thì cần phải theo dõi thêm.
Điều trị nội khoa có thể không đủ trên bệnh nhân bị ung thư dạ dày. Với những bệnh nhân này, kết quả điều trị phụ thuộc vào tình trạng bệnh, việc chẩn đoán sớm và phương pháp điều trị bệnh.
Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào về tình trạng nhiễm khuẩn HP hoặc các bệnh về đường tiêu hóa, vui lòng liên hệ với chúng tôi theo số: (84-24) 3577 1100, hoặc gửi câu hỏi về cho chúng tôi TẠI ĐÂY