News - T5, 06/27/2024 - 10:49
Triệt đốt qua đường ống thông sử dụng năng lượng cao tần RF được thực hiện như thế nào? Có an toàn không?
Lần cập nhật cuối 08/12/2024 - 11:29
Triệt đốt qua đường ống thông sử dụng năng lượng cao tần RF được coi là thành tựu y học lớn trong điều trị bệnh lý rối loạn nhịp tim ở những bệnh nhân đã điều trị bằng thuốc không hiệu quả. Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện tại các cơ sở y tế uy tín với trang thiết bị hiện đại và bác sĩ chuyên khoa chuyên môn cao.
Đốt điện là gì? Triệt đốt qua đường ống thông là gì?
Đốt điện sinh lý là phương pháp sử dụng năng lượng nhiệt nóng hoặc lạnh để phá hủy và tạo ra các mô sẹo ở vùng cơ tim nơi chịu trách nhiệm gây ra rối loạn nhịp tim. Những mô sẹo này sẽ vô hiệu hóa nguyên nhân gây ra nhịp tim nhanh hoặc nhịp tim không đều.
Triệt đốt qua đường ống thông là phương pháp sử dụng các ống thông (catheter) đặc dụng, luồn vào buồng tim thông qua tĩnh mạch, tiếp cận chính xác vị trí cần đốt. Nhờ những ống thông này, vùng đốt điện có kích thước rất nhỏ, chỉ khoảng vài milimet. Do đó, đây là phương pháp can thiệp xâm lấn tối thiểu có độ an toàn cao cho người bệnh.
Đốt điện có mấy loại?
Hai kỹ thuật đốt điện phổ biến nhất là triệt đốt qua đường ống thông sử dụng năng lượng cao tần RF (Radio Frequency Ablation - RFA) và đốt lạnh. Khi sử dụng sóng cao tần, nhiệt độ vùng cơ tim được can thiệp sẽ tăng cao, ngược lại với phương pháp đốt lạnh, nhiệt độ cực thấp sẽ phá hủy vùng tim gây ra rối loạn nhịp.
Đốt điện sử dụng sóng cao tần có ưu điểm thời gian can thiệp ngắn, áp dụng được cho nhiều loại rối loạn nhịp tim tuy nhiên yêu cầu độ chính xác cao hơn để đốt chính xác vùng cần can thiệp.
Phương pháp đốt lạnh thường được chỉ định trong điều trị rối loạn nhịp tim gần cấu trúc nhạy cảm hoặc vị trí quan trọng trong tim bởi với phương pháp này bác sĩ có thể kiểm tra mô trước khi phá hủy, giảm nguy cơ tổn thương không mong muốn cho các mô xung quanh. Tuy nhiên, phương pháp đốt lạnh cần thời gian can thiệp lâu hơn và ít có hiệu quả với các rối loạn nhịp tim mức độ phức tạp.
Tùy theo tình trạng của bệnh nhân, vị trí mô tim cần phá hủy, loại rối loạn nhịp tim và các yếu tố liên quan khác, bác sĩ sẽ đánh giá và chỉ định phương pháp đốt điện phù hợp nhất cho người bệnh,
Trong bài viết này, chúng tôi sẽ tập trung phân tích phương pháp triệt đốt qua đường ống thông sử dụng năng lượng cao tần.
Quy trình đốt điện bằng năng lượng cao tần qua ống thông
Quy trình đốt điện buộc phải thực hiện ở các cơ sở y tế uy tín được cấp phép và có đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch chuyên môn cao, nhiều năm kinh nghiệm. Các bước trong quy trình đốt điện bằng năng lượng cao tần như sau:
Bước 1: Chuẩn bị
Trước khi chỉ định, bác sĩ sẽ thăm khám kỹ lưỡng cho bệnh nhân, yêu cầu thực hiện một số cận lâm sàng cần thiết như điện tâm đồ 12 chuyển đạo, xét nghiệm máu, siêu âm tim,....
Với bệnh nhân đang điều trị bằng thuốc, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân ngừng sử dụng thuốc chống loạn nhịp, thuốc chống đông và các thuốc có thể gây ảnh hưởng đến điện sinh lý của tim..
Bác sĩ cũng sẽ trao đổi với bệnh nhân và người nhà về hiệu quả của phương pháp đốt điện cũng như các vấn đề rủi ro có thể xảy ra. Trước khi tiến hành thủ thuật, bệnh nhân phải ký cam kết đồng ý.
Do đây là thủ thuật xâm lấn, người bệnh thường sẽ được gây tê tại chỗ bằng thuốc an thần hoặc gây mê toàn thân nếu thời gian thực hiện thủ thuật có thể kéo dài.
Bước 2: Xác định cơ chế gây loạn nhịp tim
Bác sĩ sẽ đưa 2-4 kim luồn qua háng. 2-4 điện cực chẩn đoán sẽ được đưa qua tĩnh mạch đùi phải hoặc tĩnh mạch dưới đòn bên trái vào tới buồng tim để đặt tại các vị trí cần thiết. Những điện cực này sẽ ghi lại điện tâm đồ trong buồng tim và kích thích tim giúp bác sĩ xác định được bản chất tình trạng rối loạn điện tim mà bệnh nhân đang gặp phải, cơ chế gây bệnh cũng như vị trí cần tác động.
Song song với đó, điện tâm đồ về mặt 12 chuyển đạo thông dụng cũng sẽ được theo dõi trong suốt quá trình can thiệp.
Bước 3: Đưa ống thông đốt (ablation catheter) vào buồng tim
Khi đã xác định được cơ chế và bản chất rối loạn nhịp ở bệnh nhân, bác sĩ sẽ tiến hành đưa ống thông đốt vào buồng tim phải qua đường tĩnh mạch đùi phải. Nếu vị trí mục tiêu ở buồng trái của tim, ống thông có thể được đưa qua động mạch hoặc qua đường xuyên vách ngăn (tạo một lỗ nhỏ ở vách liên nhĩ).
Ống thông đốt mềm, mỏng, dài, có gắn điện cực vừa có thể ghi lại điện tâm đồ vừa đưa năng lượng sóng cao tần vào vị trí tiếp xúc giữa mô tim và đầu ống thông.
Bước 4: Đốt điện
Năng lượng cao tần RFA tạo đầu ống thông sẽ dao động với tần số rất lớn, lên tới 500 Hz. Khi năng lượng này tiếp xúc với mô tim, các ion ở vùng mô tim này sẽ dao động với cùng tần số đó. Khi dao động với tần số quá lớn, ma sát sẽ làm tăng nhiệt độ tại đó lên tới 60 - 70 độ C, phá vỡ đặc tính sinh học của phần mô này, từ đó triệt bỏ ổ ngoại vi hoặc đường dẫn gây rối loạn nhịp tim.
Trong điều trị Hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) và cơn tim nhanh vào lại nhĩ thất, kỹ thuật đốt điện sẽ triệt đốt đường dẫn truyền phụ nối liền tâm nhĩ và tâm thất - nguyên nhân gây ra rối loạn nhịp tim. Khi đó, điểm đốt thường được xác định là một điểm trên vòng van hai lá hoặc van ba lá nơi đường dẫn truyền phụ đi qua.
Với cơn nhanh do vòng vào lại nút nhĩ thất, kỹ thuật đốt điện sẽ triệt đốt đường dẫn truyền chậm qua nút nhĩ thất. Cơ chế của cơn nhanh do vòng vào lại nút nhĩ thất là việc tồn tại đường dẫn truyền kép vở vùng nhĩ thất và mô nhĩ lân cận. Hai đường dẫn truyền này được gọi là đường nhanh và đường chậm. Đa số trung tâm tim mạch trên thế giới đồng thuận việc đốt đường chậm ở vùng mô nhĩ phải nằm giữa bờ van hai lá và lỗ xoang tĩnh mạch vành.
Đốt điện trong điều trị cuồng nhĩ và cơn nhanh nhĩ đa ổ tập trung vào việc cắt đứt các vòng vào lại và triệt bỏ các ổ ngoại vi bất thường ở nhĩ trí hoặc nhĩ phải. Hiện nay, hệ thống lập bản đồ điện học và giải phẫu ba chiều buồng tim giúp bác sĩ thực đốt điện khá dễ dàng và tỉ lệ thành công cao.
Tình trạng tim nhanh thất đơn dạng có liên quan đến đường ra thất phải hoặc vách liên thất bên trái, khi thực hiện đốt điện ống thông đốt sẽ được đưa vào các buồng thất. Do ngoại tâm thu thất có thể khởi phát từ xoang Valsalva, vòng van ba lá, trên van động mạch phổi, vòng van hai lá, cạnh bó His,.. đầu điện cực đốt sẽ được đặt đúng vào vị trí ổ ngoại vi sau khi các ổ này được xác định vị trí nhờ điện thế hoạt hoá nội mạc sớm nhất hoặc phương pháp tạo nhịp (pace mapping)
Đốt điện có hiệu quả rất cao trong điều trị rung nhĩ, đặc biệt là rung nhĩ ở giai đoạn kịch phát khi các cơn rung nhĩ xuất phát từ các ổ ngoại vi nằm trong các tĩnh mạch phổi. Khi thực hiện kĩ thuật này, hình ảnh ba chiều tâm nhĩ trái và các tĩnh mạch phổi được tái tạo dựa trên catheter và hình ảnh chụp cắt lớp vi tính đa dãy. Khi có hình ảnh giải phẫu chi tiết, chính xác năng lượng cao tần sẽ tác động triệt để vào vùng cần can thiệp.
Trong suốt quá trình, bác sĩ sẽ luôn kiểm soát các thông số quan trọng như cường độ năng lượng đốt từ 10-50W, nhiệt độ ở đầu ống thông và điện trở khoảng 80-150 Ohm để đảm bảo an toàn cho bệnh nhân cũng như hiệu quả điều trị.
Phương pháp đốt điện điều trị bệnh gì?
Thủ thuật đốt điện có thể được chỉ định ngay từ đầu hoặc trong các trường hợp điều trị rối loạn nhịp tim bằng thuốc không đem lại hiệu quả. Đa số các trường hợp rối loạn nhịp nhanh được điều trị triệt để bằng đốt điện.
Đốt điện sinh lý sử dụng năng lượng cao tần được khuyến cáo áp dụng trong điều trị:
-
Nhịp nhanh trên thất với nguyên nhân do tim nhanh vào lại nút nhĩ thất, tim nhanh nhĩ ở một ổ khởi phát, hội chứng WPW, cuồng nhĩ
-
Rung nhĩ gây triệu chứng và điều trị bằng thuốc không đáp ứng.
-
Nhịp nhanh thất gây triệu chứng bao gồm cả nhịp nhanh thất vô căn và nhịp nhanh thất trên nền bệnh tim thực tổn đã điều trị bằng thuốc không hiệu quả.
Trong một số trường hợp phù hợp, đốt điện có thể được bác sĩ chỉ định cho bệnh nhân nhịp xoang nhanh hoặc ngoại tâm thu có triệu chứng, không đáp ứng với thuốc.
Phương pháp này chống chỉ định trong trường hợp bệnh nhân nhiễm trùng, có bệnh nội khoa nặng, rối loạn đông máu nghiêm trọng, huyết khối trong nhĩ trái, huyết khối trong thất trái, bệnh nhân có đặt van tim cơ học.
Đốt điện có nguy hiểm không?
Đốt điện là phương pháp điều trị hiện đại có độ an toàn cao. Người bệnh có thể được đi lại và xuất viện sau 1-2 ngày. Tuy nhiên phương pháp này cần được thực hiện bởi bác sĩ có chuyên môn cao và trang thiết bị tiên tiến.
Tỷ lệ thành công của phương pháp đốt điện bằng năng lượng cao tần khá cao, trong đó:
-
Đốt điện trong điều trị hội chứng Wolff-Parkinson-White (WPW) lên tới 90-95%
-
Đốt điện trong cơn nhanh do vòng vào lại vùng nút nhĩ thất có hiệu quả 98-99%
-
Đốt điện điều trị cuồng nhĩ điển hình có tỉ lệ thành công 90-95%
-
Đốt điện trong điều trị nhanh thất đơn dạng, ngoại tâm thu thất vô căn hiệu quả trên 90%
-
Đốt điện điều trị rung nhĩ kịch phát có hiệu quả khoảng 70-85% số ca.
Khoảng 1 - 3% số ca thực hiện có thể gặp phải biến chứng, tỷ lệ cao thường gặp ở bệnh nhân rung nhĩ. Các trường hợp điều trị nhịp nhanh thất và nhịp nhanh trên thất có tỷ lệ biến chứng rất hiếm gặp.
Các biến chứng có thể gặp phải bao gồm:
-
Thủng tim, tràn máu màng tim
-
Tắc, co thắt động mạch vành
-
Viêm ngoài màng tim
-
Block nhĩ thất độ cao
-
Tổn thương van tim
-
Tụ máu hoặc nhiễm trùng tại điểm chọc mạch
-
Tổn thương nội mạc mạch máu
-
Chảy máu vào phúc mạc
-
Tai biến mạch máu não
-
Tắc mạch
-
Viêm phổi
-
Tràn máu màng phổi
-
Dò nhĩ trái - thực quản
-
Liệt cơ hoành
-
Bỏng hoặc nhiễm xạ
-
Rối loạn nhịp tim
Dù tỉ lệ biến chứng rất thấp, bệnh nhân cần được thăm khám, chỉ định và thực hiện thủ thuật tại các cơ sở uy tín, chuyên môn cao.
Lưu ý sau khi đốt điện
Đốt điện qua ống thông là thủ thuật xâm lấn tối thiểu nên bệnh nhân cũng không mất nhiều thời gian để phục hồi.
Sau khi hoàn thành thủ thuật, người bệnh được chuyển tới phòng hồi sức để theo dõi sát sao trong khoảng 4-8 tiếng để đề phòng có thể gặp phải biến chứng. Trong vòng 24-48 giờ sau thủ thuật, bệnh nhân cần nghỉ ngơi, hạn chế vận động mạnh.
Khó chịu, hơi đau và có vết bầm tím ở khu vực chọc mạch là dấu hiệu bình thường, sẽ nhanh chóng biến mất mà không ảnh hưởng gì tới bệnh nhân.
Thời gian đầu sau khi làm thủ thuật, bệnh nhân có thể vẫn cảm thấy nhịp tim chưa ổn định nhưng triệu chứng sẽ sớm biến mất. Nếu có bất thường, bệnh nhân cần liên hệ ngay với bác sĩ điều trị để được hướng dẫn.
Các dấu hiệu nguy hiểm cần liên lạc ngay với bác sĩ bao gồm: đau ngực, khó thở, sốt, ngất… Bác sĩ sẽ thăm khám cụ thể để đưa ra hướng dẫn cho từng trường hợp.
Đốt điện ở Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã gây dựng uy tín chuyên môn lâu năm trong thăm khám và điều trị các bệnh lý tim mạch với đội ngũ bác sĩ chuyên môn cao người Việt Nam và người Pháp như TS.BS Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ Nội Tim mạch nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội; BSCKII. Phạm Thu Thủy đào tạo chuyên sâu tại Pháp, TS.BS Alain Patrice Lebon - tiến sĩ y khoa Tim mạch, bác sĩ tim mạch được Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu (EHRA) chứng nhận là chuyên gia về điện sinh lý.
Trong điều trị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân được điều trị theo phác đồ cá thể hóa với tư vấn cụ thể dành cho từng trường hợp. Nếu bệnh nhân không đáp ứng hoặc không có tiến triển trong điều trị bằng thuốc, bác sĩ chuyên khoa sẽ cân nhắc thủ thuật đốt điện để giải quyết triệt để bệnh.
Trung tâm Tim mạch - Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội được trang bị hệ thống phòng thủ thuật và máy móc hiện đại nhất hiện nay giúp:
-
Rút ngắn thời gian can thiệp thủ thuật
-
Hạn chế phạm vi tác động xuống mức tối thiểu
-
Hạn chế biến chứng rủi ro
-
Rút ngắn thời gian phục hồi của bệnh nhân
Để được tư vấn thăm khám và điều trị rối loạn nhịp tim bằng phương pháp đốt điện qua ống thông, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.