Tin tức - T6, 02/22/2019 - 16:41
Thoát vị bẹn và điều trị
Lần cập nhật cuối 02/22/2019 - 16:41
THOÁT VỊ BẸN LÀ GÌ ?
Vùng bẹn có những lỗ tự nhiên trong quá trình phát triển của bào thai một số cấu trúc giải phẫu đi qua để xuống dưới, như tinh hoàn chạy xuống bìu ở nam giới. Khi những lỗ giải phẫu này rộng, có thể đó là nguồn gốc của thoát vị bẹn, thoát vị đùi, từ đó một phần các tạng trong ổ bụng chui qua lỗ tự nhiên giãn rộng này. Thoát vị bẹn biểu hiện bằng hiện tượng sưng phồng tại vùng bẹn, phần lớn ở tư thế đứng hoặc khi gắng sức. Thoát vị có thể xảy ra ở bất cứ tuổi nào.
Thoát vị bẹn thường xảy ra ở nam giới, thoát vị đùi lại thường gặp nhiều hơn ở nữ. Thoát vị ở trẻ em là hậu quả của bất thường bẩm sinh.
BIẾN CHỨNG CỦA THOÁT VỊ?
Khi thoát vị đã hình thành, bệnh nhân sẽ cảm nhận khối thoát vị lớn dần lên, nhanh hay chậm tùy thuộc vào mỗi cá thể. Nhưng cần phải biết rằng bệnh sẽ không thể tự khỏi nếu không được can thiệp bằng phẫu thuật.
Theo thời gian, tiến triển tự nhiên của bệnh sẽ làm tăng khó chịu cho người bệnh. Thoát vị nghẹt là nguy cơ hàng đầu: đó là tình trạng mắc kẹt ruột trong thoát vị, lúc này, khối thoát vị không thể đẩy lên được và rất đau đớn. Điều này đòi hỏi bệnh nhân phải được khám và xử trí cấp cứu. Nguy cơ thoát vị nghẹt thay đổi tùy thuộc vào loại giải phẫu của thoát vị: ít xảy ra hơn với các thoát vị bẹn thể trực tiếp, lại hay xảy ra hơn ở thoát vị đùi. Để hiểu biết về nguy cơ nghẹt, người bệnh cần thảo luận với bác sĩ ngoại khoa khi khám bệnh. Có những bệnh nhân thoát vị có kèm theo đau tại chỗ nhưng không bị nghẹt. Triệu chứng đau này có thể liên quan đến những bệnh khác chưa hẳn do thoát vị và vì vậy chúng có thể vẫn tồn tại sau phẫu thuật thoát vị.
ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ BẸN NHƯ THẾ NÀO?
Điều trị triệt để thoát vị bẹn là phẫu thuật. Ngày nay người ta không còn dùng lựa chọn điều trị bằng sử dụng băng ép thoát vị. Chỉ phẫu thuật viên khi khám bệnh có thể quyết định không mổ trong những trường hợp cụ thể.
>>> Điều trị thoát vị bẹn bằng phẫu thuật nội soi
SỬA CHỮA MỘT THOÁT VỊ BẸN THẾ NÀO?
Ở người lớn, có 2 kiểu thủ thuật: Tái tạo lại thành bụng bằng các mũi khâu các lớp tổ chức giải phẫu
Hoặc tăng cường sức bền thành bụng bằng một loại lưới tổng hợp. Cũng có 2 cách tiến hành đặt lưới khác nhau phụ thuộc vào vị trí đặt lưới: Đường trực tiếp phía trước (qua 1 đường rạch duy nhất ở bẹn). Đường qua phẫu thuật nội soi ở phía sau (với những đường rạch nhỏ quanh rốn). Có nhiều cách giảm đau khác nhau cho cuộc mổ và được lựa chọn khi khám gây mê trước mổ. Mổ nội soi đòi hỏi phải gây mê toàn thân. Đường mổ trực tiếp phía trước có thể thực hiện dưới gây tê tại chỗ họăc gây tê vùng. Trong mọi trường hợp, thời gian cho sự bền vững chắc chắn là từ 3 đến 4 tuần, lúc này, bệnh nhân được khuyên tránh hoạt động gắng sức (ví dụ mang vác nặng trên 5kg)
NHỮNG NGUY CƠ KHI MỔ THOÁT VỊ BẸN LÀ GÌ?
Những biến chứng hiếm gặp liên quan đến mọi phẫu thuật ổ bụng:
- Các biến chứng tắc nghẽn mạch (tắc tĩnh mạch chi dưới, nghẽn khí mạch phổi..)
- Các biến chứng chảy máu (các vết thương mạch máu, máu tụ..)
- Nhiễm trùng vết mổ, đường truyền, các ống dẫn lưu… )
- Các vết thương trên ống tiêu hóa, tắc ruột thứ phát… )
Và có cả những biến chứng đặc thù ở phẫu thuật nội soi: Biến chứng xảy ra khi bơm khí vào ổ bụng, khi đặt ống dụng cụ đầu tiên khởi đầu cuộc mổ, những biến chứng này có thể đòi hỏi phải chuyển sang mổ mở, đó là các biến chứng gây vết thương trên các mạch máu lớn như động mạch chủ, hoặc các tạng gần vùng mổ đặc biệt là ống tiêu hóa và cơ quan tiết niệu (niệu quản, bàng quang). Các biến chứng này có thể phụ thuộc vào mức độ phức tạp của phẫu thuật hoặc những bất thường giải phẫu không thể tiên lượng trước. Những thương tổn này nếu được nhận biết ngay trong mổ thì có thể được sửa chữa và sẽ không để lại hậu quả, nhưng đôi khi có thể bị bỏ qua không nhận ra trong cuộc mổ dẫn đến tình trạng viêm phúc mạc họặc áp xe sau mổ. Một số trường hợp có thể dẫn đến tử vong, nhưng hiếm gặp.
Những biến chứng được báo trước: bướu huyết thanh (túi dịch trong) và bầm máu (mảng mầu xanh thẫm) có thể lan xuống bìu và dương vật (5-10% trường hợp) đôi khi các biến chứng này có thể chèn ép lên các mạch máu nuôi dưỡng thừng tinh và tinh hoàn và có thể dẫn tới xơ teo tinh hoàn do thiếu máu (ít hơn 1 %)
Trường hợp hiếm gặp tấm lưới bị nhiễm trùng có thể cần phải mổ lại để lấy bỏ tấm lưới (ít hơn 0,35%)
Biến chứng muộn: Đau kéo dài, thường sẽ giảm dần đi sau 2 năm và thường hay xảy ra hơn trong phẫu thuật mở qua đường trực tiếp phía trước. Giảm cảm giác phía dưới sẹo mổ ở phẫu thuật mở hay mặt ngoài đùi trong phẫu thuật nội soi có thể do kích thích hay tổn thương thần kinh cảm giác vùng. Thoát vị tái phát (khoảng 2% trong các phẫu thuật tăng cường sức bền thành bụng có đặt lưới).
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi tại đây