News - T6, 01/17/2025 - 13:43
THEO DÕI, CHẨN ĐOÁN, ĐIỀU TRỊ VIÊM RUỘT MẠN TÍNH Ở TRẺ EM, PHÒNG NGUY CƠ DẬY THÌ TRỄ VÀ CHẬM TĂNG TRƯỞNG
Lần cập nhật cuối 01/17/2025 - 13:43
Viêm ruột mạn tính (IBD) là một tình trạng viêm nhiễm trong ruột kết hợp với hệ thống miễn dịch hoạt động không bình thường. Ở trẻ em, viêm ruột có thể gây ra những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống hàng ngày.
Theo PGS. TS. Nguyễn Quang Duật, khoa Tiêu hóa & Gan mật Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, có hai loại viêm đường ruột: bệnh Crohn (CD: Crohn’s disease) và viêm loét đại tràng (UC: Ulcerative Colitis). Đặc điểm nổi trội của bệnh viêm ruột là trẻ thường xuyên bị đau bụng và tiêu chảy. Các triệu chứng khác bao gồm:
- Xuất hiện máu trong phân, tiêu chảy kéo dài
- Trẻ mệt mỏi, mất ngủ, vật vã, có thể ra mồ hôi trộm
- Chán ăn, không muốn ăn
- Sụt cân bất thường
- Đầy bụng
Trẻ em mắc viêm ruột mạn tính gặp khó khăn trong việc hấp thụ calo và chất dinh dưỡng cần thiết, trẻ có thể chậm tăng trưởng hoặc bắt đầu dậy thì muộn hơn bình thường. Theo thời gian, nếu tình trạng viêm không được kiểm soát tốt, bệnh sẽ diễn tiến nặng hơn và có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như:
- Tắc ruột
- Rò hậu môn
- Phình đại tràng nhiễm độc, thủng đại tràng
- Viêm đường mật xơ hóa nguyên phát
- Ung thư đại trực tràng
Trẻ có triệu chứng bệnh viêm ruột khi tới thăm khám tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sẽ được chẩn đoán kỹ lưỡng dựa trên:
- Khám lâm sàng: cần thăm khám kỹ các biểu hiện lâm sàng trẻ gặp
- Khai thác tiền sử gia đình, bệnh sử của trẻ
- Khai thác việc sử dụng thuốc của trẻ
- Xét nghiệm máu kiểm tra thiếu máu hay không: CRP, PCT; xét nghiệm phân tìm máu trong phân, Calprotectin; chụp X. quang bụng hoặc Siêu âm nếu thấy cần thiết
- Thực hiện nội soi dạ dày - thực quản hoặc/và đại trực tràng để xác định tình trạng viêm, chảy máu hoặc loét xuất hiện trên đường tiêu hóa. Trong quá trình thực hiện nội soi có thể lấy các mẫu mô nhỏ để làm giải phẫu bệnh.
- Tuỳ thuộc vào tình trạng của trẻ mà bác sĩ sẽ chỉ định thực hiện xét nghiệm, chụp chiếu hay nội soi như thế nào để chẩn đoán chính xác bệnh.
PGS. Duật cho biết, tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, tùy vào tình trạng cụ thể, lộ trình điều trị sẽ được đưa ra dựa trên sự phối hợp liên chuyên khoa, cá thể hóa cho từng bệnh nhân, bao gồm:
- Chế độ dinh dưỡng được khuyến nghị bởi bác sĩ Dinh dưỡng và bác sĩ Tiêu hóa giàu kinh nghiệm đóng vai trò quan trọng trong mọi phác đồ điều trị bệnh. Việc thay đổi lối sống tích cực, điều chỉnh chế độ ăn có thể giúp kiểm soát triệu chứng, giảm tần suất các đợt bùng phát và thậm chí là thuyên giảm tình trạng bệnh.
- Phương pháp điều trị nội khoa được ưu tiên trong các phác đồ điều trị cho bệnh nhân. Hầu hết thuốc được sử dụng đều giúp kiểm soát và làm giảm các triệu chứng, cũng như ngăn ngừa tái phát.
- Trong trường hợp các triệu chứng nặng lên và không đáp ứng với điều trị bằng thuốc, bệnh nhân sẽ được hội chẩn ngoại khoa để can thiệp phẫu thuật.
Bên cạnh đó, bác sĩ khuyến cáo tất cả các bệnh nhân IBD đều cần được theo dõi định kỳ chặt chẽ bằng thăm khám lâm sàng, xét nghiệm phân (FOB, Calprotectin), nội soi đại tràng tối thiểu 01 năm/lần trừ trường hợp có biến chứng như áp xe, thủng, hẹp ruột thì cần kết hợp phẫu thuật và nội soi khi cần thiết.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám với bác sĩ chuyên khoa của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955