News - T5, 01/09/2025 - 15:47
BẢO VỆ CON KHỎI NGUY CƠ VIÊM TIỂU PHẾ QUẢN DO RSV TRONG THỜI TIẾT LẠNH
Lần cập nhật cuối 01/09/2025 - 15:49
Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý nhiễm virus cấp tính của đường hô hấp dưới, làm cho các ống thở nhỏ của phổi (tiểu phế quản) nhỏ lại do viêm nhiễm và có nhiều chất nhầy trong ống thở dẫn đến cản trở quá trình lưu thông không khí qua phổi, khiến trẻ khó thở.
Theo BSCKII. Phan Thị Thu Minh - bác sĩ khoa Nhi & Nhi sơ sinh, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Viêm tiểu phế quản là một bệnh lý phổ biến ở trẻ em, đặc biệt ở trẻ nhỏ hơn 2 tuổi. Trẻ trong độ tuổi này có hệ miễn dịch còn non yếu, đường thở nhỏ và dễ bị tắc nghẽn hơn những đứa trẻ lớn hơn. Do đó, trẻ dễ mắc bệnh viêm tiểu phế quản hơn, khi nhiễm dễ nặng hơn.”
Bệnh viêm tiểu phế quản cấp ở trẻ em có thể được gây ra bởi nhiều chủng virus khác nhau, bao gồm:
- Virus hợp bào hô hấp (Respiratory Syncytial Virus – RSV): Đa số trẻ bị viêm tiểu phế quản cấp do sự xâm nhập của RVS, chiếm khoảng từ 30-50%. Chủng virus này phát triển mạnh trong môi trường lạnh, ẩm và dễ tạo thành dịch bệnh.
- Virus cúm: là nguyên nhân gây khoảng 25% tổng số ca bệnh
- Virus Adeno: chiếm khoảng 10%
- Một số chủng virus khác: Parainfluenza virus, Rhinovirus…
Bác sĩ Minh cho biết, sau khi lây nhiễm, virus sẽ sinh sôi và phát triển trong cơ thể trẻ, gây nhiễm trùng đường hô hấp trên (mũi, miệng và cổ họng). Sau đó, chúng lan rộng xuống khí quản và phổi gây ra tình trạng sưng, viêm các ống thở, thậm chí, chúng có thể làm chết các tế bào bên trong đường hô hấp.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh viêm tiểu phế quản ở trẻ rất giống với bệnh cảm lạnh, bao gồm: nghẹt mũi, chảy mũi, ho nhẹ và sốt nhẹ hoặc không sốt. Các triệu chứng này thường sẽ kéo dài trong khoảng 1-2 ngày. Sau đó, trẻ sẽ ho nhiều hơn, khó thở và xuất hiện các triệu chứng sau:
- Ho nhiều, ho dữ dội;
- Nôn mửa khi ho;
- Tiếng thở bất thường: thở khò khè, nặng hơn thở rên.
- Thở nhanh hơn bình thường;
- Khó thở nên có dấu hiếu gắng sức khi thở: cổ, ngực có biểu hiện “hút vào” rõ ràng khi trẻ hít thở; trẻ nhỏ có thể đầu ngật ngù theo nhịp thở.
- Môi, đầu ngón tay có màu hơi xanh; tím hoặc nhợt
- Sốt
- Mệt mỏi;
- Ăn uống kém, mất nước
Triệu chứng nặng lên hay gặp ngày thứ 2 hoặc thứ 3 của bệnh, có thể kéo dài 7-10 ngày, triệu chứng ho có thể kéo dài 3-4 tuần.
Khi trẻ có triệu chứng khó thở hoặc gặp khó khăn khi ăn uống, trẻ nên được nhập viện điều trị. Trẻ sẽ được theo dõi sát các triệu chứng nặng hơn của bệnh, cung cấp Oxy khi có chỉ định, cung cấp đảm bảo đủ dịch. Trong trường hợp không đủ bằng đường tiêu hóa, trẻ có thể được truyền dịch. Trẻ sẽ được chỉ định kháng sinh khi có chứng cứ bội nhiễm.
Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, lộ trình điều trị cho trẻ được đưa ra bởi các bác sĩ Nhi khoa đào tạo quốc tế, giàu kinh nghiệm. Hệ thống trang thiết bị hiện đại luôn sẵn sàng 24/7 hỗ trợ các bác sĩ trong mọi tình huống, đảm bảo an toàn nhất cho trẻ. Trong trường hợp theo dõi tại nhà, bố mẹ sẽ được bác sĩ hướng dẫn cụ thể về các dấu hiệu nguy hiểm cần lưu ý, theo dõi tình trạng của trẻ để có thể điều chỉnh lộ trình kịp thời, giúp trẻ nhanh hồi phục sức khỏe.
Đồng thời, bác sĩ sẽ hướng dẫn mẹ các biện pháp phòng ngừa toàn diện, từ các giải pháp cơ bản như việc rửa tay cho bé thường xuyên với xà phòng, cho đến tư vấn chuyên sâu về các loại vắc-xin giúp bảo vệ trẻ lâu dài.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ Nhi khoa, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage "Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội" hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955.