News - T6, 06/28/2024 - 16:41
Suy tim: Nguyên nhân, triệu chứng và cách điều trị
Lần cập nhật cuối 06/28/2024 - 16:43
Suy tim là một bệnh lý tim mạch khá phổ biến và thuộc vào nhóm nguy hiểm đối với sức khỏe. Suy tim có biểu hiện như thế nào? Nguyên nhân gây bệnh ra sao? Nội dung bài viết dưới đây sẽ cung cấp thông tin chi tiết hơn để bạn hiểu rõ hơn về căn bệnh này.
Suy tim là gì?
Suy tim là tình trạng tim suy yếu không đủ khả năng tiếp nhận và bơm máu đi các bộ phận của cơ thể do tổn thương thực thể hoặc bị rối loạn chức năng tim. Do đó, người bệnh luôn cảm thấy khó thở, mệt mỏi, đuối sức.
Phân loại suy tim
Suy tim có thể được phân loại theo nhiều cách khác nhau. Cách đầu tiên là phân loại theo vị trí buồng tim bị suy giảm chức năng:
Suy tim trái
Suy tim trái là loại phổ biến nhất trong nhóm bệnh suy tim. Khi mắc bệnh lý này, tâm thất trái của bệnh nhân - nơi có nhiệm vụ bơm máu chứa nhiều oxy tới các bộ phận khác trong cơ thể - bị giảm khả năng co bóp và bơm máu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của người bệnh. Triệu chứng chính của suy tim trái là khó thở và mệt mỏi.
Suy tim phải
Nếu như tâm thất trái nhận máu giàu oxy từ phổi để đưa đến các cơ quan thì tâm thất phải đảm nhận nhiệm vụ vận chuyển máu nghèo oxy nhận được từ tâm nhĩ phải đưa về lại phổi. Nếu chức năng của tâm thất phải bị suy giảm, máu sẽ không được bơm và đưa đến động mạch chủ phổi để trở về phổi. Khi đó máu bị ứ tại các tĩnh mạch khiến người bệnh có biểu hiện sưng phù bàn chân, mắt cá chân, bụng và cẳng chân. Máu cũng có thể ứ đọng tại ổ bụng.
Suy tim toàn bộ
Suy tim toàn bộ là trường hợp cả tâm thất trái và tâm thất phải đều bị suy giảm chức năng. Trong trường hợp này người bệnh cần đặc biệt lưu ý theo dõi sức khỏe và tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ.
Nếu phân loại theo chức năng sinh lý, suy tim được phân loại thành suy tim tâm thu và suy tim tâm trương. Với trái tim khỏe mạnh chỉ số EF - phân suất tống máu - nằm trong khoảng 50-70%. Khi bị suy tim tâm thu bệnh nhân có EF giảm dưới hoặc bằng 40%. Với trường hợp suy tim tâm trương, cơ tim bệnh nhân dày và cứng hơn bình thường, khó co bóp và giãn ra đủ ở các khoảng nhịp đập do đó chỉ số EF bảo toàn ở mức lớn hơn hoặc bằng 50%.
Bác sĩ có thể phân loại suy tim theo tiến triển bệnh gồm suy tim cấp tính và suy tim mạn tính. Với tình trạng suy tim cấp, triệu chứng xuất hiện đột ngột có thể đe dọa tới tính mạng người bệnh. Suy tim mạn tính cần điều trị lâu dài và thường khó có thể điều trị khỏi hoàn toàn.
Nguyên nhân gây suy tim
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng suy tim liên quan đến việc tim bị tổn thương, biến dạng hoặc bị ảnh hưởng từ các bệnh lý, rối loạn chuyển hóa. Cụ thể, các nguyên nhân gây bệnh phổ biến có thể kể đến như:
-
Do tim bị tổn thương, suy yếu, buồng tim bị giãn nở dẫn đến việc tim không thể bơm đủ lượng máu cần thiết đến các cơ quan trong cơ thể
-
Do tâm thất bị cứng, không thể cung cấp đủ lượng máu giữa các nhịp đập
-
Do mắc bệnh động mạch vành, chất béo tích tụ, làm hẹp động mạch gây giảm lượng máu lưu thông, có thể gây đau tim
-
Do bị tăng huyết áp vì tim phải làm việc nhiều hơn mức bình thường. Tình trạng này kéo dài dẫn tới việc cơ tim bị quá cứng hoặc quá yếu, cản trở quá trình bơm máu đến các cơ quan
-
Do bị bệnh về van tim, chức năng của van tim hoạt động không bình thường dẫn tới việc cơ quan này phải làm việc nhiều để tăng năng suất bơm máu. Theo thời gian, tim sẽ bị suy yếu theo.
-
Do bị viêm cơ tim bởi sự tấn công của vi rút, đặc biệt là Covid - 19
-
Do bị khuyết tật tim bẩm sinh, có sự sai khác về cấu tạo, buồng tim, các van khiến cho những bộ phận còn lại phải làm việc nhiều để có thể bơm máu
-
Do bị rối loạn nhịp tim, tim đập nhanh hoặc chậm ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của tim
Một số nguyên nhân khác có thể kể đến như: Nhiễm trùng nặng, phản ứng dị ứng, có máu đông trong phổi…
Triệu chứng của bệnh suy tim
Dựa theo mức độ bệnh lý và loại suy tim mà người bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Những dấu hiệu nhận biết bệnh lý phổ biến mà thường gặp có thể kể đến như:
Khó thở
Dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim sớm nhất đó là khó thở. Hầu hết, các bệnh nhân đều có triệu chứng này khi nằm, cúi đầu thấp hoặc gắng sức để làm việc. Người bệnh sẽ có cảm giác tức ngực, thở thấp, hồi hộp và hụt hơi.
Bệnh lý càng tiến triển nặng thì triệu chứng khó thở càng tăng lên. Thậm chí, khi người bệnh bước lên bậc thềm, tự kỳ cọ, tắm giặt hoặc thậm chí ngồi nghỉ cũng có cảm giác khó thở.
Đau thắt ngực
Triệu chứng nhận biết bệnh suy tim thứ hai bạn cần chú ý đến đó chính là đau thắt ngực. Khi bệnh nhân gắng sức để làm việc thì sẽ có cảm giác đau ở ngực trái hoặc có cảm giác, tức nặng phần ngực như bị thắt nghẹn, chèn ép. Một vài trường hợp đặc biệt, người bệnh có thể bị đau nhói như dao đâm ở ngực.
Xuất hiện dấu hiệu phù nề
Phù nề là một trong những dấu hiệu nhận biết bệnh suy tim thường gặp. Nguyên nhân là do tim bị suy giảm chức năng, giảm lưu lượng máu tống đi. Lượng máu theo tĩnh mạch về tim bị ứ lại, mao mạch căng lên, dịch bị thoát qua thành mao mạch đến các bộ phận lân cận, dễ đến kết quả bị phù nề.
Ho khan
Trường hợp bạn bị ho khan kéo dài không rõ nguyên nhân thì rất có thể đây chính là triệu chứng của bệnh suy tim. Thông thường, người bị suy tim sẽ bị ho khan kèm theo hiện tượng khó khạc ra đờm.
Tình trạng ho khan kéo dài sẽ gây khàn tiếng, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, gây mệt mỏi cơ thể. Tiến triển bệnh lý càng nặng thì cơn ho càng xuất hiện nhiều hơn, nhất là khi nằm xuống.
Mệt mỏi
Trái ngược với các bệnh lý khác, người bị suy tim thường xuyên bị mệt mỏi và ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc sinh hoạt thường ngày. Tiến triển bệnh càng nặng thì bệnh nhân càng nhanh bị kiệt sức, thậm chí dù chỉ bước đi cũng gây cảm giác mệt mỏi, khó chịu.
Các phương pháp chẩn đoán bệnh suy tim
Để chẩn đoán chính xác loại bệnh suy tim, bên cạnh phương pháp chẩn đoán lâm sàng, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán để đưa ra kết luận chính xác. Cụ thể như sau:
-
Điện tâm đồ ECG để kiểm tra nhịp tim của bệnh nhân, đồng thời có thể phát hiện được tình trạng tâm thất trái dày lên, buồng tim mở rộng, rối loạn nhịp tim…
-
Chụp X - quang tim phổi để kiểm tra tim to hoặc có bị tắc nghẽn phổi hay không
-
Siêu âm tim đánh giá cấu trúc, chức năng tim và xác định nguyên nhân gây bệnh
-
Chụp cộng hưởng MRI để quan sát cấu trúc của tim
-
Xét nghiệm máu tổng quát để chẩn đoán nguyên nhân, tiên lượng điều trị…
Các phương pháp điều trị bệnh suy tim
Suy tim mạn tính cần được theo dõi và quản lý đến suốt đời. Các phương pháp điều trị hiện nay có công dụng cải thiện triệu chứng, hỗ trợ làm tăng cường chức năng tim, có thể giúp tim khỏe hơn và hồi phục lại chức năng ban đầu.
Điều trị suy tim bằng thuốc
Thuốc điều trị bệnh suy tim được kê đơn dựa theo triệu chứng của từng loại bệnh. Một số trường hợp bác sĩ có thể kê đơn kết hợp các loại thuốc khác nhau để mang đến kết quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.
Một số loại thuốc điều trị suy tim thường được dùng có thể kể đến như:
-
Thuốc ức chế men chuyển (ACE) giúp giãn mạch máu để hạ huyết áp, cải thiện lưu lượng máu và giảm tải hoạt động cho tim
-
Thuốc chẹn thụ thể angiotensin II sử dụng khi bệnh nhân không dung nạp với thuốc ức chế men chuyển (ACE)
-
Thuốc chẹn beta giúp làm chậm nhịp tim, hạ huyết áp, phòng ngừa và điều trị rối loạn nhịp nhanh, cải thiện chức năng tim và phòng ngừa đột tử
-
Thuốc đối kháng Aldosterone làm giảm sợi hóa cơ tim, kéo dài đời sống người bệnh.
-
Thuốc Digoxin (Lanoxin) làm tăng sức mạnh co bóp cơ tim, đặc biệt chỉ định ở bệnh nhân suy tim có kèm rung nhĩ
-
Thuốc tăng co bóp cơ tim cải thiện chức năng bơm máu của tim và duy trì huyết áp. Bệnh nhân được tiêm thuốc qua đường tĩnh mạch khi điều trị nội trú.
Điều trị suy tim bằng phương pháp phẫu thuật
Trường hợp người bệnh không thể đáp ứng điều trị bằng thuốc hoặc diễn biến bệnh lý diễn ra nghiêm trọng hơn thì bác sĩ có thể chỉ định bằng phương pháp phẫu thuật.
-
Bệnh nhân bị suy tim do mắc bệnh van tim sẽ được chỉ định mổ van tim
-
Suy tim do hẹp động mạch vành có thể mổ bắc cầu mạch vành để cải thiện
-
Phẫu thuật ghép tim đối với trường hợp tim có tình trạng ứ dịch…
Chế độ sinh hoạt dành cho bệnh nhân bị suy tim
Tiên lượng của bệnh nhân suy tim khó có thể đoán trước được, chính vì vậy, ngoài việc tuân thủ các phương pháp điều trị được chỉ định, người bệnh và gia đình cần chủ động hơn trong việc chăm sóc, cải thiện chất lượng cuộc sống cho bệnh nhân.
Một vài lời khuyên trong chế độ sinh hoạt của bệnh nhân suy tim để bạn tham khảo thêm như:
-
Luyện tập thể dục thể thao thường xuyên với cường độ nhẹ nhàng
-
Không hút thuốc lá, không sử dụng rượu bia hay chất kích thích
-
Không làm việc nặng hay hoạt động gắng sức
-
Luôn giữ tinh thần thoải mái, vui vẻ, lạc quan
-
Chế độ dinh dưỡng nên hạn chế thực phẩm có chứa nhiều mỡ, chất béo
-
Hạn chế/kiểm soát lượng muối tiêu thụ
-
Chủ động kiểm soát cân nặng
-
Khám bệnh định kỳ và luôn dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ…
Suy tim là một bệnh lý nguy hiểm, có thể gây ra nhiều biến chứng bất ngờ cho bệnh nhân. Chính vì vậy, bạn cần chủ động khám sức khỏe định kỳ, quan sát cơ thể thường xuyên để nhận biết dấu hiệu sớm, can thiệp điều trị kịp thời.
Được đầu tư đồng bộ cả về đội ngũ chuyên môn và hệ thống thiết bị tiên tiến, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã và đang là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị bệnh lý suy tim nói riêng và các bệnh lý tim mạch nói chung:
-
Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Pháp và người Việt Nam nhiều năm kinh nghiệm như: TS.BS Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ Nội Tim mạch nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội; BSCKII. Phạm Thu Thủy đào tạo chuyên sâu tại Pháp, TS.BS Alain Patrice Lebon - tiến sĩ y khoa, bác sĩ tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội nhịp tim Châu Âu
-
Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng trong chẩn đoán: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, điện tâm đồ gắng sức, holter điện tim, chụp mạch vành,...
-
Các gói khám tầm soát tim mạch toàn diện đáp ứng nhu cầu phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tiềm ẩn, chương trình đánh giá tim mạch cho người chơi thể thao…
-
Phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp cho từng bệnh nhân từ dùng thuốc, theo dõi liên tục tới can thiệp tim mạch
Để đặt lịch thăm khám, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.