News - T6, 06/28/2024 - 16:34
Nhịp tim chậm là bệnh gì? Có nguy hiểm không?
Lần cập nhật cuối 08/13/2024 - 15:05
Nhịp tim được gọi là chậm khi tần số tim đập dưới 50 lần/phút. Tùy theo mức độ triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh, mỗi người bệnh bị ảnh hưởng sức khỏe theo mức độ khác nhau. Trong một số trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân có thể gặp biến chứng nguy hiểm.
Nhịp tim chậm là gì?
Các tế bào cơ tim có tính điện học, hình thành xung động xuất phát từ nút xoang và dẫn truyền trong cơ tim tạo ra sự co bóp đồng bộ. Nút xoang phát xung nhịp khoảng 60 đến 100 lần một phút, đây chính là nhịp tim bình thường ở người trưởng thành khi nghỉ ngơi.
Khi hoạt động của nút xoang hoặc hệ thống dẫn truyền xung điện gặp vấn đề bất thường, nhịp tim sẽ chậm hơn mức 50 nhịp/phút. Khi tim đập rất chậm, lượng máu cung cấp tới các bộ phận cơ thể sẽ gây ra những triệu chứng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào cũng là bất thường bệnh lý, nhịp tim trong khi ngủ hoặc nhịp tim của vận động viên hay những người trẻ tuổi có sức khỏe tốt có thể thấp hơn ngưỡng bình thường.
Nguyên nhân gây nhịp tim chậm?
Nhịp tim chậm thường gây ra bởi:
-
Bất thường ở hệ thống tạo nhịp (nút xoang)
-
Lão hóa mô tim
-
Dị tật tim bẩm sinh
-
Suy giảm hoặc bất thường về đường dẫn truyền nhịp trong tim
-
Viêm cơ tim, bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim cấp
-
Biến chứng sau phẫu thuật tim
-
Suy giáp
-
Ngưng thở khi ngủ
-
Sốt thấp khớp, lupus ban đỏ
-
Rối loạn điện giải: hạ Kali hoặc Canxi máu
-
Tác dụng phụ của thuốc điều trị tăng huyết áp, suy tim, thuốc digoxin, chẹn beta giao cảm
-
Tan máu, suy giảm thân nhiệt, giảm oxy máu
Nhịp tim chậm biểu hiện như thế nào
Biểu hiện của nhịp tim chậm ở mỗi người có thể khác nhau. Nhiều người không có biểu hiện hoặc có triệu chứng mơ hồ, trong khi đó, nhiều bệnh nhân có biểu hiện nghiêm trọng. Người bị nhịp tim chậm có thể thấy các dấu hiệu:
-
Khó thở, hụt hơi đặc biệt khi gắng sức
-
Thường xuyên hoa mắt, chóng mặt, choáng váng
-
Ngất xỉu
-
Mệt mỏi khi hoạt động thể chất
-
Tức ngực, khó chịu vùng ngực, đau ngực, đánh trống ngực
-
Suy giảm trí nhớ, khó tập trung
Khi có những dấu hiệu cảnh báo, đặc biệt là khi tình trạng tức ngực, khó thở, ngất xỉu xảy ra thường xuyên, bệnh nhân cần gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị sớm.
Ai có thể bị nhịp tim chậm?
Những đối tượng có nguy cơ bị nhịp tim chậm bao gồm:
-
Người cao tuổi
-
Bệnh nhân huyết áp cao
-
Người hút thuốc lá, nghiện bia rượu
-
Người thường xuyên căng thẳng, lo âu kéo dài
-
Người sử dụng ma túy, chất gây nghiện
-
Bệnh nhân tim bẩm sinh
-
Bệnh nhân đang dùng thuốc chẹn beta, digoxin…không kiểm tra và điều chỉnh thuốc định kỳ
-
Bệnh nhân suy giáp
-
Bệnh nhân viêm cơ tim hoặc sau phẫu thuật tim
Nhịp tim chậm có nguy hiểm không?
Nhịp tim chậm không gây nguy hiểm trong các trường hợp bệnh nhân không có biểu hiện triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Một số nguyên nhân khiến tim đập chậm như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim,... có thể gây biến chứng nguy hiểm. Trường hợp nghiêm trọng không được cấp cứu kịp thời người bệnh có thể ngất xỉu hoặc thậm chí bị ngừng tim đột ngột.
Nhịp tim chậm được chẩn đoán như thế nào?
Chẩn đoán nhịp tim chậm thường dựa trên kết quả thăm khám và điện tâm đồ. Trước tiên, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, kiểm tra mạch và đếm nhịp mạch.
Kết quả điện tâm đồ cho phép bác sĩ xác định bất thường về nhịp tim, biểu hiện của một số bệnh lý như tim thiếu máu, block nhĩ thất hoặc dấu hiệu bệnh nhân bị ngộ độc digoxin…
Bệnh nhân có thể được chỉ định đo điện tâm đồ tiêu chuẩn hoặc Holter điện tim. Holter điện tim là kĩ thuật ghi lại điện tim liên tục (trong 24h-48h) giúp bác sĩ chẩn đoán chính xác hơn ở những trường hợp nhịp tim chậm không thường xuyên. Trong khi gắn máy Holter điện tim, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt và làm việc hoàn toàn bình thường.
Sau khi đã xác định bệnh nhân bị nhịp tim chậm, bác sĩ sẽ cân nhắc chỉ định xét nghiệm máu, siêu âm tim, khảo sát điện sinh lý hoặc đo nồng độ thuốc mà bệnh nhân đang sử dụng...để tìm chính xác nguyên nhân gây ra tình trạng này.
Điều trị bệnh nhịp tim chậm như thế nào?
Nhịp tim chậm chỉ được cân nhắc điều trị khi bệnh biểu hiện triệu chứng. Phương pháp điều trị nhịp tim chậm cần được đưa ra một cách cá thể hóa dựa trên mức độ nghiêm trọng của triệu chứng và nguyên nhân gây bệnh của từng bệnh nhân.
-
Nếu nguyên nhân gây ra nhịp tim chậm là do suy giáp, rối loạn điện giải, rối loạn chuyển hóa, chỉ cần giải quyết nguyên nhân gây bệnh là nhịp tim có thể trở lại bình thường.
-
Trường hợp thuốc bệnh nhân đang sử dụng gây tác dụng phụ, bác sĩ sẽ điều chỉnh liều dùng hoặc cho bệnh nhân đổi sang loại thuốc khác.
-
Với nguyên nhân liên quan đến bất thường ở nút xoang hoặc hệ thống dẫn truyền xung nhịp, bác sĩ sẽ cân nhắc cấy máy tạo nhịp tim.
-
Người bệnh cần tuân thủ đúng đủ liều thuốc được bác sĩ chỉ định, không được tự ý mua thuốc hoặc ngừng thuốc.
-
Máy tạo nhịp nhân tạo thường được đặt trong các trường hợp hệ dẫn truyền xung điện bị tổn thương. Máy hoạt động theo nguyên tắc cảm nhận hoạt động nội tại của tim và tạo xung theo nhu cầu. Sau khi được cấy ghép máy tạo nhịp qua đường tĩnh mạch hoặc một vài ca qua đường mở ngực, bệnh nhân vẫn có thể sinh hoạt bình thường.
Trong quá trình điều trị, bệnh nhân và gia đình cần đặc biệt lưu ý các dấu hiệu bất thường. Người bệnh cần được đưa tới cơ sở y tế ngay khi có biểu hiện ngất xỉu, đau ngực hoặc khó thở trầm trọng.
Phòng ngừa nhịp tim chậm
Để phòng ngừa nhịp tim chậm nói riêng và bảo vệ sức khỏe tim mạch nói chung, bác sĩ khuyến cáo mọi người:
-
Sinh hoạt khoa học, vận động thể dục thường xuyên
-
Ăn uống lành mạnh, ưu tiên rau xanh và hoa quả
-
Không sử dụng rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích
-
Hạn chế lo âu, căng thẳng kéo dài
Để phát hiện sớm nhịp tim chậm, tránh biến chứng khi tình trạng trở nên nghiêm trọng, người dân nên lưu ý khám sức khỏe định kỳ.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã và đang là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị triệt để các bệnh lý tim mạch với:
-
Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa tim mạch người Pháp và người Việt Nam nhiều năm kinh nghiệm như: TS.BS Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ Nội Tim mạch nguyên Trưởng khoa Hồi sức Tim mạch, Bệnh viện Tim Hà Nội; BSCKII. Phạm Thu Thủy đào tạo chuyên sâu tại Pháp, TS.BS Alain Patrice Lebon - bác sĩ Tim mạch, điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu
- Phác đồ điều trị cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân
- Hệ thống phòng can thiệp DSA hiện đại, tiêu chuẩn cao, Hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất đầu tiên tại Việt Nam.
Để đặt lịch thăm khám chuyên khoa tim mạch, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.