News - T6, 06/28/2024 - 16:16
Tức ngực khó thở có phải do bệnh tim?
Lần cập nhật cuối 09/29/2024 - 16:44
Tức ngực, khó thở là triệu chứng phổ biến liên quan đến các bệnh lý ở phổi, đường tiêu hóa và tim. Để xác định xem người bệnh có vấn đề tim mạch hay không, bác sĩ chuyên khoa cần khai thác bệnh sử, thăm khám và tiến hành một số cận lâm sàng phù hợp.
Tức ngực khó thở là gì?
Tức ngực khó thở là tình trạng bệnh nhân bị đè nén, chèn ép, thắt chặt ở vùng ngực dẫn đến việc cảm thấy không lấy đủ không khí vào phổi, thở hổn hển.
Tức ngực khó thở có thể gặp ở bất kỳ độ tuổi nào và do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tức ngực khó thở là biểu hiện của bệnh gì?
Khi bị tức ngực khó thở, nhiều người thường nghĩ ngay tới vấn đề tim mạch, tuy nhiên triệu chứng này có thể liên quan tới 3 nhóm bệnh chính bao gồm: bệnh tim mạch, bệnh lý ở phổi và bệnh đường tiêu hóa.
Bệnh tim mạch
Khi có triệu chứng tức ngực, khó thở nhóm bệnh đầu tiên cần được cân nhắc tầm soát là nhóm bệnh lý tim mạch. Các vấn đề tim mạch gây tức ngực khó thở bao gồm:
-
Viêm màng ngoài tim: đây là tình trạng màng ngoài tim bị viêm, thường kèm theo ứ dịch trong khoang màng ngoài tim. Nguyên nhân gây viêm màng ngoài tim gồm nhiễm trùng, nhồi máu cơ tim, chấn thương, u, rối loạn chuyển hóa. Người bệnh viêm màng ngoài tim có triệu chứng đau ngực, cảm giác thắt nghẹt, tăng lên khi hít thở sâu. Một số trường hợp có kèm theo sốt, ho, mệt mỏi, sưng chân, căng cứng vùng bụng.
-
Viêm cơ tim: bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng rất đa dạng từ triệu chứng mơ hồ đến suy tim tối cấp hoặc rối loạn nhịp nguy kịch. Mệt mỏi, khó thở và phù là các triệu chứng phổ biến.
-
Bệnh cơ tim phì đại: tức ngực khó thở là một trong những triệu chứng điển hình của bệnh cơ tim phì đại. Đây là một rối loạn bẩm sinh hoặc mắc phải khiến cơ tim bị dày lên hoặc phì đại bất thường ảnh hưởng tới khả năng bơm máu của tim. Người bệnh cơ tim phì đại thường cảm thấy hụt hơi, đau tức ngực, khó thở, ngất xỉu, tim đập nhanh…
-
Bệnh mạch vành là tình trạng các động mạch vành - đường tải máu đến cơ tim - bị cản trở hoặc thu hẹp do chất béo và cholesterol tích tụ trên bề mặt mạch máu khi đó máu khó lưu thông, lượng máu và oxy lưu thông tới cơ tim kém hiệu quả. Bệnh nhân thường cảm thấy khó thở, buồn nôn, cảm giác nặng vùng ngực, đau ran vùng ngực, cảm giác tim bị bóp chặt lại…
-
Bệnh van tim như hở van, hẹp van, sa van có biểu hiện khó thở, tức ngực, đánh trống ngực, chóng mặt. Người bệnh có thể có triệu chứng phù chân hoặc bàn chân, tăng cân bất thường.
-
Bóc tách động mạch chủ thường biểu hiện bằng việc đau ngực đột ngột như xé hoặc đau lưng, bóc tách có thể dẫn đến hở van động mạch chủ và ảnh hưởng đến quá trình tuần hoàn của các nhánh động mạch.
-
Nhồi máu cơ tim cấp (đột quỵ tim) là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch. Người bệnh có cảm giác đau tức, vặn xoắn trong lồng ngực sau xương ức hoặc ngực trái kèm theo mệt, hồi hộp, khó thở, vã mồ hôi, ngất xỉu. Triệu chứng khó thở khá thường gặp.
Bệnh liên quan đến phổi
-
Viêm phế quản cấp: khi các nhánh phế quản bị viêm, người bệnh thường ho, khàn tiếng, tức ngực khó thở nếu ho nhiều.
-
Viêm phổi là tình trạng nhu mô phổi bị nhiễm trùng do vi khuẩn, virus hoặc nấm thường gặp ở trẻ nhỏ, người cao tuổi, phụ nữ mang thai, người bị suy giảm miễn dịch, người có tiền sử mắc các bệnh về tim mạch, gan, hen suyễn. Triệu chứng thường gặp của viêm phổi bao gồm đau ngực khi thở hoặc ho, ho khan, ho có đờm, sốt cao, ớn lạnh, mệt mỏi, thở nhanh, khó thở khi gắng sức,...
-
Hen suyễn: tình trạng tức ngực khó thở xảy ra do lớp niêm mạch của ống phế quản sưng lên làm hẹp đường dẫn khí, giảm lượng khí ra vào phổi. Người bệnh thường khó thở, thở khò khè, tức nặng ở ngực.
-
Viêm màng phổi: lớp màng bao phủ bên ngoài phổi của người bệnh bị viêm nhiễm, tổn thương khiến bệnh nhân đau ngực dữ dội khi thở, khó thở, hụt hơi, sốt, nhức mỏi người.
-
Thuyên tắc phổi xảy ra khi cục máu đông làm tắc mạch máu trong phổi. Bệnh nhân có thuyên tắc phổi lớn thường có dấu hiệu khó thở, đau ngực, nếu thuyên tắc phổi rất lớn có thể khiến máu không được vận chuyển từ tim đến phổi gây sốc, ngất hoặc tử vong.
-
Tăng áp phổi là tình trạng tăng áp lực trong tuần hoàn phổi, trường hợp nặng có thể dẫn đến tình trạng phì đại thất phải và suy thất phải. Mệt mỏi, khó thở khi gắng sức, khó chịu ở ngực và ngất xỉu là những triệu chứng thường gặp của bệnh lý này.
-
Lao phổi: người bệnh thường ho khạc kéo dài trên 2 tuần kèm theo sốt nhẹ về chiều, gầy sút cân, kém ăn mệt mỏi, đôi khi ho khạc ra máu, đau ngực khó thở.
-
Xẹp phổi là tình trạng nhu mô phổi bị xẹp đi kèm với giảm thể tích phổi khiến bệnh nhân khó thở hoặc suy hô hấp nếu xẹp phổi lớn.
-
Ung thư phổi: khối u ác tính ở phổi gây ho kéo dài, có đờm hoặc máu, khàn tiếng. Người bệnh còn có biển hiện đau ngực khi thở sâu, cười hoặc ho, hụt hơi, thở khò khè, suy nhược mệt mỏi, chán ăn, sụt cân.
3. Bệnh đường tiêu hóa
Nếu triệu chứng tức ngực khó thở đi kèm với nôn hoặc buồn nôn, người bệnh cần lưu ý đến vấn đề đường tiêu hóa:
-
Viêm loét dạ dày tá tràng gây cơn đau vùng thượng vị, giữa xương ức, khó chịu
-
Trào ngược dạ dày thực quản gây nóng rát vùng cổ, thượng vị, ợ chua, ợ nóng, nôn, tức ngực
-
Rối loạn co thắt thực quản khi ống dẫn thức ăn bị rối loạn co thắt, người bệnh thường bị đau tức ngực, khó thở
-
Thủng thực quản: triệu chứng tức ngực, khó thở diễn ra đột ngột với mức độ nặng, nôn nhiều..
Tức ngực khó thở do vấn đề tâm lý hoặc sau khi vận động
Trong một số trường hợp, tức ngực khó thở có thể không liên quan đến các nhóm bệnh kể trên mà đơn thuần là do yếu tố tâm lý. Tình trạng tức ngực, khó thở xuất hiện khi chúng ta lo lắng, hồi hộp, căng thẳng kéo dài hoặc quá hoảng sợ.
Nếu tình trạng tức ngực khó thở chỉ xảy ra với tần suất thấp, không đi kèm với các triệu chứng khác, bạn chỉ cần cân bằng cảm xúc, điều chỉnh lối sống, hạn chế các chất kích thích, nghỉ ngơi hợp lý và tập thể dục đều đặn.
Ngoài ra, sau khi vận động cường độ cao bạn có thể bị tức ngực kèm theo triệu chứng tim đập nhanh. Thông thường sau khi nghỉ ngơi, nhịp tim sẽ trở về trạng thái bình thường và cơn tức ngực giảm bớt.
Tuy nhiên, nếu sau khi nghỉ ngơi tình trạng này vẫn không thuyên giảm hoặc thường xuyên lặp lại, đây có thể là biểu hiện của bệnh lý tim mạch.
Tức ngực khó thở khi mang thai
Phụ nữ mang thai thường bị khó thở buồn nôn ở hai giai đoạn là 3 tháng đầu thai kỳ và cuối thai kỳ. Trong ba tháng đầu mang thai, cơ thể người mẹ có sự thay đổi về hormone gây ốm nghén khiến mẹ bầu khó thở, buồn nôn, chóng mặt.
Do tăng hormone progesterone, thai phụ thở nhanh hơn bình thường, tim làm việc nhiều hơn để đáp ứng nhu cầu của bản thân và thai nhi dẫn đến khó thở, mệt mỏi. Ở thời điểm cuối thai kỳ thể tích phổi cũng giảm, thai to khiến thai phụ mệt mỏi, khó thở nhiều hơn.
Tức ngực khó thở có những biến chứng gì?
Tức ngực khó thở có thể là biểu hiện của nhiều bệnh lý nguy hiểm như bệnh mạch vành, viêm cơ tim, nhồi máu cơ tim cấp, thuyên tắc phổi, ung thư phổi,... Nếu không được xác định sớm và điều trị phù hợp, bệnh nhân có thể bị biến chứng nghiêm trọng thậm chí ảnh hưởng tới tính mạng. Do đó, cần đặc biệt cẩn trọng với triệu chứng đau tức ngực khó thở xảy ra thường xuyên và cường độ tăng dần.
Nên làm gì khi gặp tình trạng tức ngực khó thở?
Khi nhận thấy dấu hiệu đau tức vùng ngực, cảm giác bóp nghẹt, đèn nén vùng tim và khó thở, bạn cần ngay lập tức dừng công việc đang làm, chọn vị trí an toàn để ngồi xuống nghỉ ngơi, hít thở nhẹ nhàng và ổn định tinh thần.
Nếu cơn tức ngực khó thở nhanh chóng qua đi, bạn có thể xem xét điều chỉnh lối sống, chế độ ăn uống hàng ngày để hạn chế tình trạng này.
Tuy nhiên nếu cơn tức ngực xảy ra dữ dội hoặc lặp lại nhiều lần không rõ nguyên nhân, bạn cần đến cơ sở y tế uy tín để được bác sĩ thăm khám, kiểm tra xác định chính xác nguyên nhân. Sau khi phát hiện bệnh, bạn cần tuân thủ phác đồ điều trị để đảm bảo hiệu quả điều trị tốt nhất.
Tình trạng tức ngực khó thở được chẩn đoán thế nào?
Khi thăm khám, bác sĩ sẽ khám lâm sàng, khai thác bệnh sử và mô tả của bệnh nhân về đặc điểm cũng như tần suất của những cơn tức ngực khó thở. Nếu nghi ngờ bệnh nhân có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bác sĩ sẽ đưa ra chỉ định chuyên sâu để xác định chính xác nguyên nhân gây khó thở. Một số chỉ định phổ biến để chẩn đoán bệnh lý liên quan đến tức ngực khó thở bao gồm:
-
Điện tâm đồ, siêu âm tim, xét nghiệm men tim, chụp CT động mạch vành có cản quang nếu nghi ngờ nguyên nhân tức ngực khó thở liên quan đến tim mạch.
-
X-quang ngực hoặc CT ngực có cản quang để xác định bất thường ở phổi
-
Xét nghiệm máu
Phương pháp điều trị chứng tức ngực khó thở
Tức ngực khó thở là triệu chứng của nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau nên phương pháp điều trị phụ thuộc phần lớn vào nguyên nhân gây tức ngực khó thở.
Nếu tức ngực khó thở do nguyên nhân tim mạch, bệnh nhân sẽ được can thiệp từ nội khoa đến ngoại khoa để phục hồi chức năng tim, sửa chữa những bất thường ở tim và dự phòng biến chứng nguy hiểm của bệnh lý tim mạch.
Tức ngực liên quan đến phổi, người bệnh có thể được điều trị bằng thuốc cho viêm phế quản, viêm phổi. Vật lý trị liệu, thở oxy và phục hồi chức năng phổi thường được áp dụng cho các bệnh lý nghiêm trọng hơn.
Với các bệnh lý tiêu hóa như trào ngược dạ dày thực quản, bạn sẽ cần điều chỉnh chế độ ăn, không dùng chất kích thích, hạn chế căng thẳng và dùng một số loại thuốc hỗ trợ.
Trong các trường hợp tức ngực khó thở do tâm lý, việc điều chỉnh lối sống kết hợp với một số loại thuốc hỗ trợ chống lo âu là cần thiết. Tuy nhiên, bạn không nên tự chẩn đoán hoặc dùng thuốc mà không có chỉ định từ bác sĩ.
Cách phòng ngừa và cải thiện tức ngực khó thở
Tình trạng tức ngực khó thở có thể được phòng ngừa và cải thiện bằng cách:
-
Ăn uống lành mạnh, cân bằng dưỡng chất, ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi, ngũ cốc nguyên hạt, hạn chế thực phẩm chiên rán nhiều cholesterol
-
Tập luyện thể thao đều đặn, không quá gắng sức
-
Không uống rượu bia, hút thuốc hoặc sử dụng các chất kích thích khác
-
Không thức khuya, làm việc quá căng thẳng hoặc áp lực cao trong thời gian dài
-
Tầm soát sức khỏe định kỳ để phát hiện sớm các vấn đề về phổi, tim mạch và đường tiêu hóa.
Tầm soát bệnh lý tim mạch tại Bệnh viện Việt Pháp
Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, bạn sẽ được thăm khám cụ thể, tư vấn và điều trị triệt để các vấn đề sức khỏe gây tức ngực khó thở, ngăn chặn các biến chứng nguy hiểm về tim mạch.
Tại Trung tâm dự phòng bệnh lý tim mạch, với đội ngũ bác sĩ người Pháp và Việt Nam nhiều năm kinh nghiệm cùng hệ thống máy móc hiện đại, bệnh nhân sẽ được xác định chính xác nguyên nhân gây tức ngực khó thở qua các biện pháp như:
-
Siêu âm tim (siêu âm màu Doppler cho người lớn và trẻ em)
-
Siêu âm tim qua thực quản
-
Điện tâm đồ gắng sức
-
Điện tâm đồ holter 24h
-
Theo dõi huyết áp lưu động 24h (MAPA)
-
Chụp cắt lớp vi tính
-
Chụp mạch vành
Trong trường hợp phát hiện nguyên nhân liên quan đến các bệnh lý như bệnh mạch vành, nhồi máu cơ tim, bệnh van tim, đau ngực, rối loạn nhịp tim…bệnh nhân sẽ được điều trị với phác đồ phù hợp nhất để sửa chữa và phục hồi chức năng tim.
Với những trường hợp bệnh nhân khó thở liên quan đến vấn đề phổi hoặc tiêu hóa, đội ngũ bác sĩ chuyên khoa của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội sẽ thăm khám và phối hợp liên chuyên khoa để đưa ra phương án điều trị toàn diện nhất.
Để đặt lịch thăm khám, khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.