News - T6, 10/25/2024 - 14:30
CÁC LOẠI RỐI LOẠN NHỊP TIM THƯỜNG GẶP VÀ DẤU HIỆU CẢNH BÁO
Lần cập nhật cuối 10/25/2024 - 14:43
Rối loạn nhịp tim là nhóm bệnh lý tim mạch phổ biến với nhiều loại rối loạn khác nhau. Dưới đây là các loại rối loạn nhịp tim thường gặp và dấu hiệu cảnh báo mà người bệnh cần chú ý để thăm khám kịp thời.
Các loại rối loạn nhịp tim thường gặp
Nhịp chậm xoang, hội chứng nút xoang bệnh lý, nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh thất, rung thất, ngoại tâm thu, block nhĩ thất là các rối loạn nhịp tim thường gặp. Trong đó, nhịp chậm xoang, hội chứng nút xoang, block nhĩ thất thuộc nhóm rối loạn nhịp chậm; còn nhịp nhanh kịch phát trên thất, nhịp nhanh thất và rung thất thuộc nhóm rối loạn nhịp nhanh.
Hội chứng suy nút xoang
Nút xoang nằm ở tâm thất phải, được ví như công tắc của hệ dẫn truyền tim, là nơi khởi phát tín hiệu điện giúp tim co bóp và đập nhịp nhàng. Trong hội chứng suy nút xoang, hoạt động của nút xoang bị rối loạn, dẫn đến tim đập theo nhịp điệu bất thường: lúc nhanh, lúc chậm hoặc nhịp nhanh xen kẽ nhịp chậm.
Hội chứng suy nút xoang thường gặp ở người cao tuổi với độ tuổi trung bình mắc bệnh là 68 tuổi. Người bệnh có thể cảm thấy hồi hộp, mệt mỏi, choáng váng, thậm chí bị ngất xỉu do tim giảm bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể.
Nhịp chậm xoang
Nhịp chậm xoang là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất trong nhóm rối loạn nhịp chậm, xảy ra khi nút xoang phát ra tín hiệu thấp hơn bình thường. Nhịp chậm xoang khiến nhịp tim xuống thấp dưới 60 nhịp/phút, thậm chí dưới 40 nhịp/phút.
Trong một số trường hợp, đặc biệt ở vận động viên hoặc người vận động thể lực, thể thao thường xuyên, nhịp tim có thể xuống mức thấp nhưng không ảnh hưởng gì đến sức khỏe. Ở người cao tuổi hoặc khi ngủ sâu giấc, nhịp tim cũng có thể giảm thấp hơn ngưỡng 60 nhịp/phút.
Phần lớn người bị nhịp chậm xoang không biểu hiện triệu chứng rõ ràng. Nếu xuất hiện các triệu chứng như hụt hơi, khó thở, mệt mỏi, đuối sức, ngất xỉu… bệnh nhân cần thăm khám để xác định bệnh và điều trị kịp thời.
Block nhĩ thất
Nhịp tim được điều khiển bằng hệ thống thần kinh tự động dẫn truyền từ tâm nhĩ xuống tâm thất. Block nhĩ thất là tình trạng tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ dẫn truyền xung điện từ tâm nhĩ đến tâm thất.
Tuỳ vào mức độ tắc nghẽn mà block nhĩ thất được chia ra thành các mức độ khác nhau: block nhĩ thất độ 1, block nhĩ thất độ 2, block nhĩ thất độ 3.
Ở giai đoạn đầu, triệu chứng của block nhĩ thất khá giống các bệnh lý khác nên dễ dàng bị bỏ qua. Nhiều bệnh nhân chỉ đến khi bệnh tiến triển nặng mới được phát hiện. Nếu không điều trị kịp thời, block nhĩ thất có thể dẫn đến tình trạng tim đập chậm, ngừng đập, suy tuần hoàn, đột quỵ, thậm chí dẫn đến tử vong trong thời gian ngắn sau khi khởi phát bệnh.
Rung nhĩ
Rung nhĩ là loại rối loạn nhịp tim phổ biến nhất, với tỷ lệ mắc bệnh ngày càng tăng trên toàn thế giới. Theo ước tính, số người mắc loại rối loạn nhịp tim này sẽ tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2050. Nguy cơ mắc rung nhĩ tăng dần theo tuổi, đặc biệt với độ tuổi trên 80. Tại Việt Nam, tỷ lệ người cao tuổi bị rung nhĩ là 3,9%. Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, cường giáp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Trong bệnh lý rung nhĩ, tâm nhĩ trái và tâm nhĩ phải rung hỗn loạn chứ không co bóp, dẫn đến máu không lưu thông tốt xuống tâm thất và ứ đọng trong tâm nhĩ. Đây là điều kiện thuận lợi cho cục máu đông hình thành và tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não lên gấp 5 lần so với người bình thường.
Các triệu chứng thường gặp của rung nhĩ bao gồm hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt, hụt hơi, đau tức ngực, mệt mỏi rã rời. Tuy nhiên, một số người bị rung nhĩ không có bất kỳ triệu chứng bất thường nào và không hề biết mình mắc bệnh.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất
Nhịp nhanh kịch phát trên thất là loại rối loạn nhịp nhanh phổ biến thứ hai sau rung nhĩ, với tỷ lệ mắc khoảng 2,5/1.000 người trong dân số nói chung. Ở người bình thường, tín hiệu điện từ tâm nhĩ theo hệ thống dẫn truyền tim lan xuống tâm thất, giúp các buồng tim co bóp nhịp nhàng. Trong bệnh lý nhịp nhanh kịch phát trên thất, người bệnh có hệ thống dẫn truyền tim bất thường khiến tín hiệu điện từ tâm nhĩ không chỉ truyền xuống tâm thất mà còn quay lại tự kích thích chính nó. Kết quả là tâm đập nhanh hơn bình thường.
Bệnh có biểu hiện là những cơn hồi hộp tái diễn, khởi phát và kết thúc đột ngột. Ngoài ra, trong cơn nhịp nhanh kịch phát trên thất, người bệnh còn có thể cảm thấy khó thở, chóng mặt, đau ngực, ù tai, ớn lạnh, đổ mồ hôi, thậm chí bị ngất xỉu.
Nhịp nhanh kịch phát trên thất xảy ra thường xuyên có thể gây ra hoặc làm nặng thêm tình trạng suy tim. Nếu người bệnh có tiền sử bệnh động mạch vành, nhịp nhanh kịch phát trên thất có thể dẫn đến nhồi máu cơ tim do tim bị căng thẳng kéo dài.
Nhịp nhanh thất
Nhịp nhanh thất là một trong những rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất. Đây là tình trạng cơ tâm thất co bóp với tần số rất nhanh 140-160 nhịp/phút. Tâm thất không đủ thời gian làm đầy thất, tim bóp rỗng, dẫn đến thiếu máu nuôi toàn bộ cơ thể.
Nhịp nhanh thất xảy ra khi tín hiệu điện không được khởi phát từ nút xoang mà bắt nguồn từ tâm thất và khiến tim đập quá nhanh. Người bị nhịp nhanh thất có thể cảm thấyngất xỉu, choáng váng, cần phải được xử lý cấp cứu ngay nếu không có thể dẫn tới các di chứng không thể hồi phục. Tử vong đột ngột do nhịp nhanh thất chiếm khoảng một nửa số ca tử vong liên quan đến nguyên nhân tim mạch. Do đó, đây được coi là loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm nhất.
Bệnh tim thiếu máu cục bộ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra nhịp nhanh thất và có khoảng 5-10% bệnh nhân mắc hội chứng vành cấp được phát hiện có loại rối loạn nhịp này.
Bác sĩ Ngô Chi Hiếu – Khoa Tim mạch và Tim mạch Can thiệp, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết người bệnh bị nhịp nhanh thất thường do hậu quả của thiếu máu cơ tim hoặc do các rối loạn nhịp khác không được phát hiện và điều trị hiệu quả. Để phát hiện sớm và phòng ngừa nhịp nhanh thất, mọi người cần kiểm tra tim mạch định kỳ, đặc biệt ở những đối tượng có nguy cơ mắc bệnh lý tim mạch cao như người cao tuổi, béo phì, hút thuốc lá….
Rung thất
Rung thất là một loại rối loạn nhịp tim nguy hiểm, trong đó tâm thất rung liên tục chứ không co bóp để bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể. Hậu quả là tim chứa đầy máu trong buồng tim nhưng các mạch máu nuôi dưỡng tim lại trống không, từ đó dẫn đến tim ngừng hoạt động và người bệnh có thể tử vong. Theo các báo cáo, khoảng 70% các trường hợp ngừng tim là do rung thất.
Khi bị rung thất, người bệnh có thể cảm thấy đau ngực, khó thở, buồn nôn và nôn. Sau đó, nếu tim ngừng đập, người bệnh sẽ mất ý thức, ngừng thở hoặc thở hổn hển, không bắt được mạch. Nếu không được điều trị kịp thời, người bệnh sẽ tử vong chỉ sau vài phút.
Ngoại tâm thu
Ở người bình thường, khi tín hiệu điện từ nút xoang truyền đến, tâm nhĩ và tâm thất lần lượt co lại. Tuy nhiên, người mắc chứng ngoại tâm thu có các ổ phát nhịp ngoại lai, khiến tâm nhĩ hoặc tâm thất co lại trước khi tín hiệu điện từ nút xoang truyền tới. Kết quả là tim có một nhịp đập sớm hơn so với bình thường. Tùy theo vị trí nào của tim co bóp sớm, ngoại tâm thu được phân loại thành: ngoại tâm thu thất, ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu bộ nối.
Ngoại tâm thu là rối loạn nhịp tim phổ biến, có thể xảy ra khi chúng ta sử dụng trà, cà phê có caffeine, hút thuốc lá có nicotine hoặc tinh thần căng thẳng. Loại rối loạn nhịp này thường không biểu hiện triệu chứng bất thường và được phát hiện tình cờ khi đi khám sức khỏe. Khoảng 1-4% kết quả điện tâm đồ và 40-75% kết quả Holter theo dõi điện tim 24-48h có ngoại tâm thu thất. Tuy nhiên, một số người bị ngoại tâm thu thất có thể cảm thấy tim đập lỡ một nhịp hoặc lồng ngực rung nhẹ.
Ngoại tâm thu nhĩ và ngoại tâm thu bộ nối thường không ảnh hưởng tới sức khỏe. Với người trẻ khỏe mạnh, ngoại tâm thu thất là lành tính, thường tự hết và không cần điều trị. Nhưng với người cao tuổi và người có bệnh lý tim mạch, ngoại tâm thu thất có thể tiến triển thành nhịp nhanh thất và ngừng tim.
Người bị ngoại tâm thu thường xuất hiện cảm giác hồi hộp, đánh trống ngưc, khó thở, mệt mỏi. Bệnh tiến triển nặng làm tim co bóp không đều, giảm dòng chảy tưới máu mạch vành dẫn đến suy tim, tăng nguy cơ đột tử. Do đó ngay khi có các triệu chứng bất thường, người bệnh cần được thăm khám chuyên khoa để kịp thời điều trị.
Cách phát hiện các rối loạn nhịp tim thường gặp
Cách tốt nhất để phát hiện sớm các rối loạn nhịp tim thường gặp là đi khám chuyên khoa tim mạch ngay khi có triệu chứng bất thường. Người bệnh sẽ được thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm chẩn đoán như điện tâm đồ, holter điện tim, siêu âm tim doppler màu… Dựa vào kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ tìm ra nguyên nhân và loại rối loạn nhịp tim của người bệnh, sau đó tư vấn kế hoạch điều trị phù hợp và hiệu quả nhất.
Ngoài ra, một số rối loạn nhịp tim phổ biến như nhịp chậm xoang, ngoại tâm thu thường không biểu hiện triệu chứng bất thường. Vì vậy, người bệnh nên kiểm tra sức khỏe định kỳ để tầm soát và phát hiện sớm bệnh lý tim mạch tiềm ẩn.
Với đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cung cấp các gói khám tầm soát tim mạch toàn diện, gói đánh giá tim mạch dành riêng cho người chơi thể thao… nhằm đáp ứng nhu cầu phát hiện sớm nguy cơ tim mạch tiềm ẩn.
Để được tư vấn về bệnh lý rối loạn nhịp tim hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.