News - T6, 10/25/2024 - 14:59
BỆNH RUNG NHĨ: NGUYÊN NHÂN, TRIỆU CHỨNG VÀ PHƯƠNG PHÁP ĐIỀU TRỊ
Lần cập nhật cuối 10/25/2024 - 15:06
Rung nhĩ là chứng loạn nhịp tim phổ biến, chiếm khoảng 1/3 số ca nhập viện do rối loạn nhịp tim và ảnh hưởng đến hàng triệu người trên toàn thế giới. Đây là nguyên nhân tim mạch hàng đầu dẫn đến đột quỵ và nhiều biến chứng nguy hiểm khác như suy tim, suy giảm nhận thức và trí nhớ… Phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời là cách tốt nhất để hạn chế biến chứng và duy trì chất lượng cuộc sống cho người bệnh.
Rung nhĩ là bệnh gì?
Từ năm 2010 đến năm 2019, số lượng bệnh nhân mắc rung nhĩ toàn cầu đã tăng từ 33,5 triệu người lên 59 triệu người. Theo ước tính, số người mắc loại rối loạn nhịp tim này sẽ tiếp tục tăng gấp đôi hoặc gấp ba vào năm 2050.
Nguy cơ mắc rung nhĩ tăng dần theo tuổi, đặc biệt với độ tuổi trên 80. Theo thống kê, tỷ lệ người cao tuổi tại Việt Nam bị rung nhĩ là khoảng 3,9%. Ngoài ra, những người bị tăng huyết áp, béo phì, đái tháo đường, cường giáp, suy tim, bệnh tim thiếu máu cục bộ hoặc thường xuyên hút thuốc lá, uống rượu bia cũng có nguy cơ cao mắc bệnh.
Rung nhĩ là tình trạng hai tâm nhĩ không co bóp theo nhịp đều đặn mà rung rất nhanh và hỗn loạn. Tùy theo thời gian xuất hiện và độ dài của cơn rối loạn nhịp tim, rung nhĩ được chia thành 4 loại:
- Rung nhĩ kịch phát: là tình trạng rung nhĩ kết thúc trong vòng 7 ngày, có thể tự chấm dứt mà không cần điều trị. Rung nhĩ kịch phát có thể tái phát với tần suất khác nhau tùy từng người bệnh.
- Rung nhĩ dai dẳng: xảy ra khi rung nhĩ không tự chấm dứt trong vòng 7 ngày. Người bệnh cần dùng thuốc hoặc can thiệp đặc biệt như sốc điện chuyển nhịp để phục hồi nhịp tim bình thường.
- Rung nhĩ kéo dài: là tình trạng rung nhĩ kéo dài hơn 12 tháng mà không cải thiện.
- Rung nhĩ vĩnh viễn: thuật ngữ này được sử dụng trong trường hợp các biện pháp nhằm khôi phục nhịp tim bình thường cho bệnh nhân rung nhĩ hầu như không có hiệu quả.
Nguyên nhân gây ra bệnh rung nhĩ
Ở người khỏe mạnh, tim đập đều đặn với tần số 60-100 lần/ phút nhờ hệ thống dẫn truyền tim. Hệ thống này phát ra xung điện xuất phát từ nút xoang nằm ở tâm nhĩ phải, sau đó lần lượt dẫn truyền xung điện sang tâm nhĩ trái, nút nhĩ thất, bó His và mạng Purkinje xuống hai tâm thất. Nhờ đó, hai tâm nhĩ và hai tâm thất co bóp nhịp nhàng, đều đặn, giúp tim bơm máu tới các cơ quan trong cơ thể.
Trong bệnh rung nhĩ, các xung điện bất thường ở tâm nhĩ làm gián đoạn quá trình dẫn truyền xung điện bình thường, khiến hai tâm nhĩ rung nhanh, hỗn loạn chứ không co bóp theo nhịp đều đặn. Hậu quả là hai tâm nhĩ và hai tâm thất không hoạt động nhịp nhàng cùng nhau và tim không thể bơm máu hiệu quả.
Có nhiều yếu tố góp phần gây ra bệnh rung nhĩ, bao gồm:
- Tuổi cao: mô tim lão hóa khiến hệ thống dẫn truyền tim hoạt động bất thường. Đây là một trong những lý do khiến tỷ lệ mắc rung nhĩ tăng dần theo tuổi: 0,3% ở những người 40 tuổi, 5 - 9% ở độ tuổi 60 - 80 và 10% ở người trên 80 tuổi.
- Các bệnh lý tim mạch như tăng huyết áp, suy tim, bệnh mạch vành, bệnh van tim, bệnh cơ tim phì đại và các dị tật tim bẩm sinh có thể làm tổn thương mô tim, dẫn đến rung nhĩ.
- Bệnh lý của các cơ quan khác như cường giáp, bệnh thận mạn tính, đái tháo đường, rối loạn lipid máu, ngưng thở khi ngủ… cũng góp phần gia tăng nguy cơ rung nhĩ.
- Tình trạng thừa cân, béo phì: những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) > 30 kg/m2 có nguy cơ bị rung nhĩ cao hơn đáng kể so với những người có BMI bình thường (< 25 kg/m2).
- Những người vừa phẫu thuật tim, phổi hoặc thực quản có nguy cơ bị rung nhĩ trong những ngày đầu sau mổ.
- Tiền sử gia đình: Một số gen có liên quan đến bệnh rung nhĩ, do đó nguy cơ bạn bị rung nhĩ có thể tăng lên nếu người thân trong gia đình cũng mắc bệnh này.
- Thường xuyên sử dụng rượu bia góp phần gia tăng nguy cơ mắc bệnh, đồng thời kích hoạt các cơn rung nhĩ cấp tính xảy ra.
- Lao động nặng nhọc hoặc tham gia các môn thể thao cần sức bền (trên 10 tiếng mỗi tuần) cũng là một yếu tố nguy cơ dẫn đến rung nhĩ.
- Một số loại thuốc điều trị bệnh lý tim mạch có thể thúc đẩy rung nhĩ xuất hiện.
Rung nhĩ ảnh hưởng tới sức khỏe như thế nào?
Rung nhĩ có thể ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe thể chất và tinh thần nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.
- Tăng nguy cơ đột quỵ do nhồi máu não: Những người bị rung nhĩ có nguy cơ bị đột quỵ do nhồi máu não cao gấp 5 lần so với những người không mắc bệnh này. Nguyên nhân là do tâm nhĩ rung hỗn loạn, tạo điều kiện hình thành cục máu đông, gây tắc mạch não.
- Tăng nguy cơ suy tim: Nhịp tim tăng nhanh khiến tim phải làm việc quá sức, hậu quả là nguy cơ suy tim ở người bệnh rung nhĩ tăng lên gấp 3 - 4 lần so với người bình thường.
- Rung nhĩ có thể tiến triển từ rung nhĩ kịch phát thành rung nhĩ bền bỉ/ dai dẳng.
- Tăng nguy cơ suy giảm nhận thức và trí nhớ: Người bị bệnh rung nhĩ có nguy cơ bị suy giảm nhận thức và trí nhớ cao hơn 40% do biến chứng tổn thương nhu mô não sau đột quỵ và thiếu máu não mạn tính vì tim bơm máu không hiệu quả.
- Rối loạn giấc ngủ, lo âu, trầm cảm: Khoảng 34,9% bệnh nhân rung nhĩ có mức độ lo âu cao và 20,2% có mức độ trầm cảm cao do thường xuyên lo lắng về sức khỏe của bản thân.
- Tăng nguy cơ tử vong: Người bị rung nhĩ có nguy cơ tử vong cao gấp 1,5 - 2 lần, đặc biệt ở những người có bệnh lý đái tháo đường, bệnh thận mạn tính kèm theo.
Triệu chứng thường gặp của bệnh rung nhĩ
Rung nhĩ có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào và được phát hiện tình cờ khi người bệnh đi khám sức khỏe hoặc kiểm tra điện tâm đồ trước khi thực hiện một phẫu thuật nào đó. Cũng có trường hợp bệnh nhân nhập viện trong tình trạng đột quỵ, sau đó phát hiện nguyên nhân là do rung nhĩ.
Mặc dù vậy, khoảng 70% người mắc bệnh rung nhĩ có các triệu chứng bất thường như:
- Đánh trống ngực
- Khó thở, hụt hơi
- Hạn chế tham gia các hoạt động gắng sức
- Thường xuyên mệt mỏi
- Chóng mặt
- Ngất xỉu
- Đau ngực
- Khó chịu
Những triệu chứng này có thể thoáng qua rồi tự hết hoặc kéo dài dai dẳng. Mức độ nghiêm trọng của các triệu chứng cũng khác nhau giữa các bệnh nhân. Người có bệnh lý tim mạch bị rung nhĩ thường có triệu chứng nghiêm trọng, trong khi đó, một số bệnh nhân có thể ít cảm nhận được các triệu chứng bất thường của rung nhĩ.
Chẩn đoán rung nhĩ như thế nào?
Để xác định chính xác mình có bị rung nhĩ hay không, người bệnh cần đi khám tại các bệnh viện có chuyên khoa tim mạch.
Trước tiên, bác sĩ sẽ hỏi người bệnh một số câu hỏi về tiền sử gia đình, tiền sử bệnh lý kèm theo và các yếu tố nguy cơ gây ra rung nhĩ. Người bệnh cũng có thể cung cấp cho bác sĩ thông tin về các triệu chứng bất thường của bản thân.
Sau đó, bác sĩ sẽ tiến hành thăm khám lâm sàng, bao gồm kiểm tra cân nặng, mạch, huyết áp, khám tim phổi, tuyến giáp, kiểm tra các dấu hiệu của bệnh lý suy tim… Tùy theo từng trường hợp, bác sĩ sẽ chỉ định các xét nghiệm cận lâm sàng phù hợp để chẩn đoán rung nhĩ và xác định nguyên nhân gây bệnh cũng như biến chứng kèm theo.
Các xét nghiệm thường được chỉ định với bệnh nhân nghi ngờ rung nhĩ là:
- Điện tâm đồ: là phương pháp đầu tay để chẩn đoán rung nhĩ. Khi thực hiện điện tâm đồ, người bệnh được gắn các điện cực lên ngực, cổ tay và cổ chân. Nhờ đó, các xung điện hoạt động của tim sẽ được máy ghi lại và hiển thị dưới dạng biểu đồ, và bác sĩ có thể phát hiện ra các sóng điện tim bất thường của rung nhĩ.
- Holter điện tim: Trong trường hợp nghi ngờ người bệnh bị rung nhĩ nhưng điện tâm đồ không phát hiện được các sóng điện tim bất thường, bác sĩ có thể chỉ định cho bệnh nhân đeo holter điện tim. Đây là thiết bị ghi điện tim có kích thước nhỏ gọn và người bệnh sẽ đeo bên người liên tục trong 24 giờ hoặc vài ngày, nhằm “bắt được” các cơn rung nhĩ ngắn và không thường xuyên.
- Siêu âm tim: giúp bác sĩ khảo sát nguyên nhân và biến chứng của rung nhĩ, bao gồm tình trạng suy tim, tình trạng của động mạch vành, hoạt động của các van tim và hình ảnh huyết khối trong buồng tim.
- Xét nghiệm máu: nhằm đánh giá chức năng thận của bệnh nhân để bác sĩ lựa chọn loại thuốc và điều chỉnh liều thuốc phù hợp, kiểm tra chức năng tuyến giáp để loại trừ bệnh lý cường giáp gây ra rung nhĩ, kiểm tra đường máu ở bệnh nhân bị đái tháo đường…
Dựa vào kết quả cận lâm sàng, bác sĩ sẽ kết luận bệnh, trao đổi với người bệnh về phương hướng điều trị và tư vấn các biện pháp giúp phòng tránh biến chứng.
Chiến lược điều trị và quản lý rung nhĩ
Theo TS. BS. Alain Lebon, chuyên gia tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, mục tiêu điều trị rung nhĩ là kiểm soát tần số thất, đưa nhịp tim về nhịp xoang bình thường và dự phòng huyết khối tắc mạch nhằm hạn chế biến chứng đột quỵ và bệnh cơ tim do nhịp tim nhanh. Để đạt được mục tiêu này, người bệnh cần thay đổi lối sống kết hợp với phác đồ điều trị cá thể hóa phù hợp.
Duy trì lối sống lành mạnh
Lối sống lành mạnh không chỉ giúp người bệnh cải thiện sức khỏe mà còn hỗ trợ phác đồ điều trị của bác sĩ đạt hiệu quả cao. Người mắc bệnh rung nhĩ nên:
- Duy trì cân nặng hợp lý giúp giảm mức độ nghiêm trọng và tần suất của các cơn rung nhĩ.
- Hạn chế uống rượu bia và các đồ uống chứa caffeine như trà, cà phê, nước tăng để không kích thích nhịp tim tăng nhanh.
- Không sử dụng thuốc lá, thuốc lào để tránh gây tổn thương tim và mạch máu.
- Tập thể dục đều đặn với cường độ vừa phải nhằm bảo vệ trái tim khỏe mạnh.
- Lựa chọn các thực phẩm tốt cho tim mạch như rau xanh, trái cây, ngũ cốc nguyên hạt, cá, thịt nạc, các loại hạt, dầu thực vật. Hạn chế các thực phẩm nhiều muối để kiểm soát tốt huyết áp.
- Quản lý căng thẳng, giảm bớt lo lắng để tinh thần thư giãn.
Các loại thuốc điều trị bệnh rung nhĩ
Tùy theo từng trường hợp, người mắc bệnh cần sử dụng một loại thuốc hoặc phối hợp nhiều loại thuốc như:
- Thuốc chống đông giúp ngăn ngừa hình thành cục máu đông, hạn chế biến chứng đột quỵ.
- Thuốc kiểm soát nhịp tim giúp tim không đập quá nhanh.
- Thuốc chống loạn nhịp giúp đưa nhịp tim của bệnh nhân về nhịp xoang bình thường.
- Ngoài ra, bác sĩ có thể kê thêm cho người bệnh thuốc hạ huyết áp, thuốc kiểm soát mỡ máu…
Trong quá trình điều trị bằng thuốc, người bệnh cần được theo dõi sát sao bởi cả bác sĩ tim mạch và bác sĩ nội thần kinh để kịp thời dự phòng rủi ro đột quỵ. Trong những trường hợp điều trị bằng thuốc giảm hiệu quả, bác sĩ cần đưa ra chỉ định can thiệp kịp thời để điều trị triệt để hơn cho bệnh nhân.
Các thủ thuật, phẫu thuật tim mạch
Bác sĩ có thể đề xuất người bệnh can thiệp điều trị rung nhĩ ngay từ đầu dựa trên việc đánh giá lợi ích và rủi ro của can thiệp so với điều trị nội khoa. Một số thủ thuật, phẫu thuật thường được chỉ định cho bệnh nhân rung nhĩ là:
- Sốc điện chuyển nhịp: Là phương pháp sử dụng năng lượng điện từ bên ngoài để khôi phục lại nhịp tim bình thường cho người bệnh. Người bệnh sẽ được gây mê và gắn các điện cực lên ngực. Các điện cực này được nối vào máy chuyển nhịp nhằm ghi lại xung điện hoạt động của tim, sau đó truyền những cú sốc điện ngắn, có năng lượng thấp tới tim nhằm khôi phục lại nhịp xoang bình thường. Người bệnh sẽ không cảm thấy đau đớn khi thực hiện can thiệp này.
- Triệt đốt rung nhĩ qua ống thông: Bác sĩ sẽ luồn các ống thông đặc hiệu có gắn điện cực từ mạch máu ngoại vi vào buồng tim, sau đó xác định vị trí mô tim phát ra xung điện bất thường dẫn đến rung nhĩ và phá hủy mô tim đó bằng năng lượng cao tần. Đây là thủ thuật có tính an toàn cao, có thể giúp bệnh nhân khỏi bệnh hoàn toàn mà không cần tiếp tục dùng thuốc, tuy nhiên cần được thực hiện tại cơ sở y tế uy tín với hệ thống trang thiết bị hiện đại.
- Đặt máy tạo nhịp: Với những bệnh nhân rung nhĩ có rối loạn chức năng nút xoang với nhịp tim chậm, bác sĩ có thể chỉ định đặt máy tạo nhịp tim. Máy tạo nhịp tim là một thiết bị nhỏ có nhiệm vụ gửi xung điện để tim đập ở tốc độ và nhịp điệu bình thường, đồng thời giúp tâm nhĩ, tâm thất co bóp đồng bộ để tim bơm máu hiệu quả.
Với đội ngũ bác sĩ, chuyên gia tim mạch giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là địa chỉ uy tín trong tầm soát, thăm khám và điều trị rung nhĩ.
- TS.BS Alain Patrice Lebon - bác sĩ chuyên khoa Tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu với hơn 20 năm kinh nghiệm điều trị bệnh lý tim mạch và nhịp tim tại Pháp.
- Đầy đủ thiết bị thực hiện các cận lâm sàng quan trọng nhằm chẩn đoán bệnh rung nhĩ chính xác và nhanh chóng cho người bệnh: siêu âm tim doppler màu, siêu âm tim qua đường thực quản, điện tâm đồ, holter điện tim…
- Phác đồ điều trị rung nhĩ cá thể hóa theo Hướng dẫn điều trị của Hiệp hội Nhịp tim châu Âu, chỉ định can thiệp phù hợp với từng bệnh nhân và phối hợp liên chuyên khoa nhằm mang lại hiệu quả điều trị tối ưu cho người bệnh.
- Hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Ensite X thế hệ mới nhất từ Abbott, đầu tiên tại Việt Nam giúp can thiệp triệt đốt chính xác, giảm nguy cơ biến chứng
- Hệ thống phòng can thiệp tim mạch hiện đại, tuân thủ tiêu chuẩn khử khuẩn cao nhất của Pháp, đảm bảo vô khuẩn tuyệt đối.
Để được thăm khám và tư vấn cụ thể về rung nhĩ với TS. BS. Alain Lebon, vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.