News - T6, 10/25/2024 - 14:03
NHẬN BIẾT SỚM 5 TRIỆU CHỨNG RUNG NHĨ
Lần cập nhật cuối 10/31/2024 - 09:33
Rung nhĩ là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất với hơn 59 triệu người mắc bệnh trên toàn thế giới. Nếu không được chẩn đoán và điều trị, rung nhĩ có thể dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như suy tim, đột quỵ, thậm chí đe dọa tính mạng. Vì vậy, người bệnh không nên chủ quan với 5 triệu chứng cảnh báo rung nhĩ dưới đây.
Rung nhĩ là bệnh gì?
Rung nhĩ là một loại rối loạn nhịp tim trong đó hai tâm nhĩ không co bóp đều đặn theo nhịp mà rung lên hỗn loạn. Rung nhĩ có thể xuất hiện trong vài ngày, sau đó tự hết và nhịp tim người bệnh trở về bình thường. Tuy nhiên, người bệnh cũng có thể bị rung nhĩ kéo dài vài tuần, vài tháng, thậm chí dai dẳng suốt đời và cần được điều trị bằng thuốc hoặc can thiệp tim mạch để phục hồi lại nhịp tim bình thường.
Các triệu chứng rung nhĩ thường gặp
Khoảng 15 - 30% bệnh nhân rung nhĩ không có triệu chứng bất thường và không biết mình mắc bệnh. Hơn 70% trường hợp còn lại có thể nhận thấy các biểu hiện bất thường xuất hiện nhẹ nhàng, thoáng qua hoặc thường xuyên, nghiêm trọng, tùy theo loại rung nhĩ, độ tuổi của người bệnh và tiền sử bệnh lý tim mạch kèm theo.
Đánh trống ngực
Đánh trống ngực là triệu chứng thường gặp với hơn 50% bệnh nhân bị rung nhĩ lần đầu có triệu chứng này. Người bệnh có thể cảm thấy tim đập nhanh, mạnh hoặc đang rung lên trong lồng ngực, thậm chí cảm nhận được nhịp tim thình thịch ở vùng cổ. Triệu chứng này thường xuất hiện vài giây nhưng cũng có thể kéo dài trong vài phút.
Trong bệnh rung nhĩ, thay vì co bóp nhịp nhàng, hai tâm nhĩ rung hỗn loạn và nhanh hơn so với bình thường, tốc độ rung của tâm nhĩ có thể lên tới 400-600 nhịp/phút. Điều này khiến nhịp tim tăng nhanh, có thể lên đến 150 – 200 lần/ phút, dẫn đến triệu chứng đánh trống ngực.
Khó thở
Khó thở cũng là triệu chứng thường gặp ở người bị rung nhĩ. Hơn một nửa số bệnh nhân mắc rung nhĩ có triệu chứng khó thở, đặc biệt ở những người có bệnh lý tim mạch hoặc hô hấp như suy tim, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD).
Tim không bơm máu hiệu quả khiến phổi không nhận đủ oxy là nguyên nhân dẫn đến tình trạng khó thở hoặc cảm giác hụt hơi ở người bị rung nhĩ. Triệu chứng này thường xuất hiện sau khi người bệnh vận động mạnh, làm việc nặng hoặc ngay khi nghỉ ngơi, nói chuyện bình thường. Cũng có khi người bệnh đang ngủ bỗng tỉnh giấc vì cảm thấy khó chịu ở ngực kèm theo thở hổn hển, vã mồ hôi do cơn rung nhĩ xảy ra vào ban đêm.
Thường xuyên mệt mỏi
Khoảng 20% các ca bệnh rung nhĩ có triệu chứng mệt mỏi. Đôi khi mệt mỏi là dấu hiệu bất thường duy nhất, khiến người bệnh khó chịu và đi khám. Người bệnh có thể cảm thấy mệt mỏi cả ngày, ngay cả lúc nghỉ ngơi hoặc sau khi vận động nhẹ nhàng. Điều này khiến người mắc chứng rung nhĩ gặp khó khăn khi hoạt động gắng sức như leo cầu thang, mang vác vật nặng, thậm chí không thể tự thực hiện các hoạt động thường ngày như vệ sinh cá nhân, đi lại trong nhà.
Nguyên nhân dẫn đến biểu hiện mệt mỏi ở người mắc chứng rung nhĩ là do tim bơm máu không hiệu quả, khiến cơ thể không nhận được đủ oxy và các dưỡng chất cần thiết. Hậu quả là người bệnh luôn cảm thấy mệt mỏi, uể oải, cạn kiệt năng lượng.
Chóng mặt và ngất xỉu
Trong bệnh lý rung nhĩ, tim bơm máu không hiệu quả khiến não không nhận đủ lượng máu cần thiết, dẫn đến tình trạng thiếu oxy não. Điều này gây ra cảm giác chóng mặt, choáng váng, thậm chí người bệnh có thể bị ngất xỉu.
Mức độ chóng mặt có thể từ nhẹ đến nặng, tùy theo mức độ nghiêm trọng của rung nhĩ và mức độ suy tim. Lưu ý rằng triệu chứng chóng mặt thường xuất hiện đột ngột, làm tăng nguy cơ té ngã và xảy ra tai nạn nếu người bệnh đang lái xe, leo cầu thang hoặc đi lại.
Đau ngực
Khoảng 10% bệnh nhân rung nhĩ có triệu chứng đau ngực và thường đi kèm với tình trạng khó thở. Mặc dù không phổ biến bằng các triệu chứng khác, đau ngực vẫn là dấu hiệu bất thường cần chú ý ở những người mắc chứng rung nhĩ, đặc biệt với bệnh nhân có bệnh lý mạch vành hoặc tiền sử nhồi máu cơ tim.
Người mắc chứng rung nhĩ có triệu chứng đau ngực là do lượng máu nuôi dưỡng cơ tim bị suy giảm. Lúc này, người bệnh có thể cảm thấy ngực mình bị đè ép hoặc bóp nghẹt. Cơn đau xuất phát từ vùng ngực, có thể lan tới lưng trên, cánh tay, cổ hoặc tai; kéo dài âm ỉ hoặc thỉnh thoảng xuất hiện rồi biến mất.
Khi nào cần đi khám?
Đôi khi các triệu chứng khó chịu của rung nhĩ có thể biến mất trong vòng 7 ngày mà không cần điều trị. Trường hợp này được gọi là rung nhĩ kịch phát. Tuy nhiên, người bệnh không nên chủ quan vì loại rối loạn nhịp tim này có thể bắt đầu bằng cơn rung nhĩ kịch phát, sau đó tái phát nhiều lần và theo thời gian tiến triển thành rung nhĩ dai dẳng. Thời gian rối loạn nhịp tim càng lâu thì càng khó điều trị và phục hồi nhịp tim trở lại bình thường. Do đó, nếu phát hiện triệu chứng rung nhĩ, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tim mạch để được chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Đến với Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, người bệnh sẽ đội ngũ bác sĩ tim mạch giàu kinh nghiệm thăm khám. Rung nhĩ có thể được phát hiện chỉ với một lần điện tâm đồ. Trong một số trường hợp phức tạp, để xác định chính xác hơn về tình trạng bệnh, bác sĩ có thể chỉ định bệnh nhân thực hiện holter điện tim 24 giờ hoặc các cận lâm sàng khác.
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.