Knowledge - T3, 10/10/2023 - 14:06
Khi nào cần nội soi dạ dày?
Lần cập nhật cuối 10/10/2024 - 14:07
Bạn nên làm nội soi dạ dày khi có các triệu chứng bệnh dạ dày hoặc có yếu tố nguy cơ. Tham khảo bài viết sau để biết thời gian phù hợp.
Khi nào cần đến bệnh viện làm nội soi dạ dày?
Nội soi dạ dày cần được thực hiện để chẩn đoán cũng như điều trị các bệnh lý về dạ dày nói riêng và đường tiêu hóa nói chung, đặc biệt là trong những trường hợp dưới đây:
Xuất hiện các dấu hiệu khác thường về đường tiêu hóa
Bạn nên đến bệnh viện nội soi dạ dày càng sớm càng tốt nếu xuất hiện các triệu chứng sau đây để được kiểm tra và chẩn đoán kịp thời:
- Cảm giác nóng rát và đau tại vùng xương ức (tương ứng với vị trí thượng vị dạ dày): Đây là những dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản hoặc viêm loét dạ dày. Một số triệu chứng có thể đi kèm là ợ hơi, ợ chua, buồn nôn, cảm giác nóng dạ dày,...
- Ợ hơi, ợ chua, cảm giác trào ngược từ bên trong: Đây là những dấu hiệu điển hình của bệnh trào ngược dạ dày thực quản. Lâu ngày, dịch axit sẽ khiến thực quản bị tổn thương nhiều hơn. Các triệu chứng này có thể đi kèm với cảm giác buồn nôn, nôn, đau thượng vị, đau tức ngực.
- Cảm giác nghẹn, đau khi nuốt, khó nuốt: Là các dấu hiệu phổ biến của các bệnh lý tại vùng thực quản, hầu và họng, gây ra nhiều khó khăn trong quá trình ăn uống.
- Ho thường xuyên, viêm họng kéo dài không khỏi: Bên cạnh nguyên nhân từ đường hô hấp, những triệu chứng này cũng có thể xuất hiện do tình trạng trào ngược dạ dày gây ra.
- Buồn nôn hoặc nôn, chán ăn, khó tiêu, đầy bụng: Có thể là biểu hiện của chứng rối loạn tiêu hóa hoặc bệnh lý nào đó nghiêm trọng hơn.
- Nôn ra máu, đi ngoài phân đen hoặc phân có dính máu: Cho thấy trong hệ tiêu hóa có vị trí nào đó đang bị xuất huyết. Một số triệu chứng khác có thể cùng xuất hiện là đau bụng, mệt mỏi, nhợt da,...
- Sụt cân nhanh và bất thường: Có thể là dấu hiệu của bệnh ung thư.
Khi sống cùng người bị nhiễm vi khuẩn HP
Vi khuẩn HP (Helicobacter pylori) là một loại xoắn khuẩn sinh sống trong dạ dày của con người. Nghiên cứu cho thấy chúng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm, đặc biệt là viêm loét dạ dày - tá tràng hay ung thư dạ dày.
Vi khuẩn HP có thể lây lan thông qua đường miệng. Vì vậy nếu trong gia đình bạn có người nhiễm HP, hoặc bạn đang sống cùng người bị nhiễm khuẩn HP, bạn có khả năng bị nhiễm vi khuẩn rất cao thông qua việc dùng chung bát đũa, cốc chén,...
Loại vi khuẩn này có thể được phát hiện thông qua phương pháp nội soi dạ dày kèm clo-test. Vì vậy, nếu biết được bệnh lý của những người xung quanh, bạn nên đi khám nội soi ngay để bảo vệ bản thân mình.
Khi đang trong giai đoạn theo dõi bệnh lý của dạ dày
Những người đang trong giai đoạn theo dõi các bệnh lý liên quan đến dạ dày như viêm loét dạ dày mạn tính, viêm loét dạ dày cấp, polyp dạ dày,.. thường được nhận chỉ định nội soi dạ dày để kiểm tra, chẩn đoán và đánh giá được mức độ tổn thương, qua đó tìm ra phương pháp và kế hoạch điều trị phù hợp.
Bên cạnh đó, các đợt nội soi trong suốt quá trình điều trị còn có tác dụng giúp bác sĩ đánh giá mức độ hiệu quả của phương pháp chữa trị, từ đó có những điều chỉnh phù hợp và kịp thời.
Người khám sử dụng chất kích thích với tần suất cao
Những người thường xuyên sử dụng chất kích thích như rượu bia hay thuốc lá cũng là đối tượng được các bác sĩ khuyến cáo nên đi nội soi tiêu hóa. Lý do là bởi những chất kích thích này có khả năng tàn phá dạ dày nặng nề. Chúng khiến dạ dày tiết ra nhiều axit dịch vị, giảm hình thành chất nhầy bảo vệ và gây phá hủy niêm mạc dạ dày.
Đây cũng là tiền đề dẫn đến nhiều căn bệnh nguy hiểm sau này như trào ngược dạ dày thực quản, xuất huyết tiêu hóa, viêm loét dạ dày cấp tính hoặc thậm chí là ung thư dạ dày.
Người đang có polyp dạ dày
Nếu đã phát hiện có polyp dạ dày, bạn nên sắp xếp thời gian đi nội soi để kiểm tra. Mặc dù trong đa số trường hợp, những polyp này là vô hại và không gây cản trở đến sinh hoạt thường ngày, tuy nhiên nó cũng có thể là một loại tổn thương ung thư tiềm ẩn.
Thông qua nội soi, bác sĩ có thể theo dõi và đánh giá khả năng tiến triển thành ung thư dạ dày, nếu cần thiết có thể can thiệp điều trị hoặc cắt bỏ những polyp này đi.
Người bệnh có tiền sử bị ung thư dạ dày
Với những người có tiền sử bị ung thư dạ dày, hoặc có thành viên trong gia đình có tiền sự ung thư dạ dày, các bác sĩ thường khuyên nên đi kiểm tra định kỳ bằng cách nội soi. Nguy cơ mắc các bệnh dạ dày, đặc biệt là ung thư dạ dày của nhóm đối tượng này thường cao hơn hẳn những người bình thường khác.
Việc nội soi dạ dày là một cách tầm soát ung thư giúp bệnh nhân phát hiện và kiểm soát nguy cơ mắc bệnh, từ đó tìm ra cách phòng tránh phù hợp.
Người muốn tầm soát ung thư dạ dày
Kể cả khi không có các yếu tố gia tăng nguy cơ ung thư như có tiền sử bệnh trong gia đình hoặc có lối sống thiếu lành mạnh, bạn vẫn có thể đi tầm soát ung thư bằng cách khám nội soi dạ dày. Đây cũng được xem là một trong những phương pháp hiệu quả và có độ chính xác cao nhất hiện nay.
Qua kết quả xét nghiệm, bác sĩ sẽ đánh giá xem bệnh nhân có bị ung thư dạ dày hay không, khả năng bị mắc và các nguy cơ tiến triển thành bệnh ác tính. Nếu cần thiết, trong quá trình nội soi bác sĩ có thể lấy mẫu làm xét nghiệm sinh thiết để có kết quả chuẩn xác hơn.
Sau khi nội soi dạ dày bao lâu nên tái khám?
Mặc dù nội soi bao tử có khả năng hỗ trợ phát hiện và điều trị bệnh tốt nhưng không có nghĩa bạn nên đi nội soi lại bất kỳ lúc nào mà nên làm theo chỉ định của bác sĩ, thường khoảng cách giữa 2 lần nội soi dạ dày là như sau:
- Người có bệnh lý nhẹ hoặc dạ dày khỏe mạnh: Không cần nội soi lại.
- Bệnh nhân bị đau dạ dày mạn tính hoặc nhiễm vi khuẩn HP, không bị loạn sản dạ dày: Tái khám sau khoảng 3 năm.
- Người bị barrett thực quản và phát hiện có loạn sản dạ dày: Tái khám sau khoảng 1 năm.
- Người có nguy cơ ung thư bao tử cao: Tái khám sau khoảng 6 tháng.
- Người bị tổn thương dạ dày ở mức độ nặng, có loạn sản dạ dày: Tái khám sau khoảng 3 tháng.
- Bệnh nhân bị xuất huyết dạ dày: Có thể cần theo dõi qua nội soi nhiều lần trong ngày.
Việc làm nội soi thường xuyên không những lãng phí cả thời gian lẫn tiền bạc mà còn khiến bạn có nguy cơ gặp một số tác dụng phụ. Vì vậy hãy chú ý sắp xếp thời gian đến tái khám theo đúng chỉ định của bác sĩ nhé.Trong trường hợp đặc biệt, bạn cũng nên thông báo cho bác sĩ để có hướng dẫn rõ ràng nhất.
Qua bài viết trên đây, mong rằng bạn đã nắm được khi nào cần nội soi dạ dày để có thể sắp xếp thời gian thăm khám phù hợp nhất cho bản thân. Để được tư vấn trực tiếp cũng như hẹn đặt lịch khám nhanh chóng, đơn giản, bạn hãy liên hệ lại với Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội nhé!