Press & Media - T3, 10/01/2024 - 10:54
HƠN 100 KHÁCH MỜI THAM DỰ HỘI THẢO VỀ RỐI LOẠN NHỊP TIM VÀ PHÒNG NGỪA ĐỘT QUỴ TẠI BỆNH VIỆN VIỆT PHÁP HÀ NỘI
Lần cập nhật cuối 10/08/2024 - 15:11
Với mong muốn cung cấp kiến thức hữu ích để bệnh nhân và gia đình hiểu rõ hơn về các bệnh lý rối loạn nhịp tim, phương pháp điều trị và hướng dẫn phòng ngừa biến chứng, ngày 28/9 vừa qua, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã tổ chức thành công Hội thảo "Điều trị triệt để rối loạn nhịp tim và Phòng ngừa nguy cơ đột quỵ" thu hút đông đảo khách mời tham dự.
Trong khuôn khổ Hội thảo, các bác sĩ chuyên khoa Tim mạch & Tim mạch Can thiệp và chuyên khoa Nội thần kinh Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội đã trình bày những thông tin thiết yếu một cách sinh động, trực quan, dễ hiểu theo 3 chủ đề chính:
TS. BS. Ngô Chí Hiếu – Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp – diễn giải cụ thể cơ chế hoạt động của tim, hệ thống dẫn truyền tim cũng như lý do vì sao bệnh nhân tim mạch nói chung và bệnh nhân rối loạn nhịp tim nói riêng phải đối mặt với nguy cơ đột quỵ cao.
Bác sĩ nhấn mạnh: “Rối loạn nhịp tim thường biểu hiện không rõ ràng nhưng có thể gây ra những hậu quả nặng nề trên cả tim và não, để lại di chứng kéo dài. Do đó, người bệnh cần đặc biệt chú ý thăm khám, sàng lọc để phát hiện sớm và điều trị hiệu quả.”
Hiện nay, rối loạn nhịp tim đang được điều trị theo 2 hướng chính gồm điều trị nội khoa bằng thuốc và can thiệp bằng thủ thuật. Đặc biệt, phương pháp triệt đốt qua ống thông bằng năng lượng cao tần RF có tỷ lệ thành công cao. Tùy theo loại rối loạn nhịp tim, 95% bệnh nhân có thể khỏi bệnh mà không cần tiếp tục dùng thuốc chống loạn nhịp.
TS. BS. Alain Lebon – Khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp – giúp khách mời hiểu rõ ưu điểm của phương pháp này và hình dung rõ hơn về các bước thực hiện.
Chia sẻ về những yếu tố đảm bảo an toàn cho thủ thuật, TS. BS. Alain Lebon cho biết: “Tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cũng như ở các trung tâm lớn của Pháp, khi đưa các ống thông vào buồng tim, chúng tôi sẽ tiến hành chọc tĩnh mạch dưới siêu âm để đảm bảo an toàn tối đa cho bệnh nhân.
Trong quá trình thực hiện, hệ thống lập bản đồ điện sinh lý 3D Ensite X thế hệ mới nhất giúp bác sĩ quan sát chính xác vị trí cần can thiệp. Ống thông hiện đại có thể tiếp xúc vị trí cần đốt chính xác đến từng milimet. Do đó, các biến chứng có thể gặp phải ở thủ thuật này được giảm xuống mức tối thiểu.”
Trong điều trị rối loạn nhịp tim, bệnh nhân không chỉ được kiểm soát về nhịp, giảm triệu chứng khó chịu mà còn cần được kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ. Chia sẻ về chủ đề này, ThS. BS. Sabrina Stefanizzi - Khoa Nội thần kinh - cung cấp cho khách mời hiểu biết toàn diện nhất về nguyên nhân đột quỵ, các vấn đề từ tim gây đột quỵ, dấu hiệu nhận biết sớm cũng như hướng dẫn phòng ngừa biến chứng này.
BS. Sabrina cho biết “Đột quỵ có nguồn gốc từ tim rất phổ biến, đặc biệt là với rung nhĩ. Bệnh nhân rung nhĩ có nguy cơ đột quỵ cao gấp 5 lần người bình thường, di chứng đột quỵ ở bệnh nhân rung nhĩ cũng nhiều hơn và nặng nề hơn. Trong dự phòng biến chứng đột quỵ do rung nhĩ, bệnh nhân cần được theo dõi chặt chẽ bởi cả bác sĩ tim mạch và bác sĩ nội thần kinh.”
Hy vọng những kiến thức hữu ích này sẽ giúp người bệnh ý thức tốt hơn về rối loạn nhịp tim và nhiều người bệnh được điều trị khỏi hoàn toàn.
Trong ngày 28/9, một số bệnh nhân cũng đã được tư vấn đánh giá tình trạng bệnh cụ thể với TS. BS. Alain Lebon.
Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội trân trọng cảm ơn Quý vị đã quan tâm và tích cực tham gia vào sự kiện này.