Knowledge - T5, 12/05/2024 - 10:03
RUNG NHĨ KỊCH PHÁT LÀ GÌ? CÓ NGUY HIỂM KHÔNG?
Lần cập nhật cuối 12/05/2024 - 10:04
Rung nhĩ kịch phát là tình trạng rung nhĩ diễn biến và kết thúc trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát, có thể tự kết thúc hoặc nhờ vào can thiệp y tế.
Tùy theo thời gian xuất hiện và độ dài của cơn rối loạn nhịp tim, rung nhĩ được chia thành 4 loại: rung nhĩ kịch phát, rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài và rung nhĩ vĩnh viễn. Trong đó, rung nhĩ kịch phát chiếm khoảng 25 - 62% các trường hợp rung nhĩ nhưng dễ bị bỏ qua vì triệu chứng thường mơ hồ, thoáng qua.
Rung nhĩ kịch phát là gì?
Rung nhĩ kịch phát là tình trạng rung nhĩ diễn biến và kết thúc trong vòng 7 ngày kể từ khi khởi phát, có thể tự kết thúc hoặc nhờ vào can thiệp y tế. Thuật ngữ này dùng để phân biệt với các loại rung nhĩ khác như rung nhĩ dai dẳng (rung nhĩ không kết thúc sau 7 ngày), rung nhĩ kéo dài (rung nhĩ kéo dài hơn 12 tháng) và rung nhĩ vĩnh viễn (rung nhĩ tồn tại lâu dài, khó khôi phục nhịp tim bình thường).
Tới nay, các chuyên gia tim mạch vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân dẫn đến rung nhĩ kịch phát. Tuy nhiên, loại rối loạn nhịp tim này có liên quan đến ngoại tâm thu nhĩ và những thay đổi trong hoạt động của hệ thần kinh tự chủ.
Triệu chứng của rung nhĩ kịch phát
Khác với rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài và rung nhĩ vĩnh viễn, rung nhĩ kịch phát có thể không biểu hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào hoặc các triệu chứng rất đa dạng, mơ hồ và thoáng qua.
Những triệu chứng thường gặp của rung nhĩ kịch phát bao gồm:
Hồi hộp, đánh trống ngực: khi rung nhĩ kịch phát xảy ra, nhịp tim tăng nhanh, người bệnh đột nhiên cảm thấy tim đập thình thịch trong lồng ngực. Đây là triệu chứng phổ biến nhất của rung nhĩ kịch phát.
Khó thở: thường đi kèm với cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực. Người bệnh có thể cảm thấy khó thở khi thực hiện các hoạt động gắng sức hoặc khó thở ngay cả lúc nghỉ ngơi.
Choáng váng, chóng mặt: rung nhĩ kịch phát khiến tim bơm máu không hiệu quả, gây thiếu máu não, dẫn đến triệu chứng choáng váng, chóng mặt. Tuy nhiên, khác với rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài và rung nhĩ vĩnh viễn, rung nhĩ kịch phát hiếm khi khiến người bệnh ngất xỉu.
Mệt mỏi, uể oải, cảm thấy cạn kiệt năng lượng: do tim bơm máu không hiệu quả, khiến cơ thể không nhận được đủ oxy và các dưỡng chất cần thiết.
Đau tức ngực: trong một số trường hợp, nhịp thất nhanh trong rung nhĩ kịch phát có thể gây ra tình trạng đau thắt ngực với đặc điểm: đau như bị bóp nghẹt phía sau xương ức, đau có thể lan lên vai trái, cằm hoặc cả hai vai.
Mức độ nghiêm trọng và đa dạng của các triệu chứng rung nhĩ kịch phát phụ thuộc vào bệnh lý tim mạch kèm theo, độ tuổi, mức độ hoạt động thể chất của người bệnh. Ở những bệnh nhân suy tim, khi rung nhĩ kịch phát xảy ra, người bệnh có thể quan sát thấy tình trạng suy tim nặng lên với các triệu chứng như khó thở nhiều hơn, phù chân tăng lên, tăng cân.
Rung nhĩ kịch phát có nguy hiểm không?
Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất của rung nhĩ là đột quỵ do cục máu đông gây tắc mạch máu não. Với bệnh nhân rung nhĩ kịch phát, nguy cơ đột quỵ thường thấp hơn so với bệnh nhân rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài hoặc rung nhĩ vĩnh viễn. Nguyên nhân là do trong rung nhĩ kịch phát, thời gian tâm nhĩ rung hỗn loạn ngắn hơn, nguy cơ hình thành cục máu đông vì thế cũng ít đi.
Bệnh nhân rung nhĩ kịch phát có nguy cơ đột quỵ cao nhất trong vòng 5 ngày kể từ khi cơn rung nhĩ xảy ra, sau đó nguy cơ này giảm dần trong 30 ngày tiếp theo. Lưu ý rằng các cơn rung nhĩ kịch phát kéo dài hơn 17 - 24 giờ làm tăng đáng kể nguy cơ đột quỵ.
Tuy nhiên, rung nhĩ kịch phát hiếm khi chỉ xuất hiện một lần, hầu hết bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát đều có một hoặc nhiều lần tái phát trong vòng một năm sau đó. Theo thống kê, tỷ lệ tái phát của rung nhĩ kịch phát sau 1 năm là 70%, sau 4 - 6 năm là 60 - 90%. Đây chính là lý do người bệnh không nên chủ quan với rung nhĩ kịch phát dù các triệu chứng khó chịu thường thoáng qua và tự hết.
Hơn nữa, theo thời gian rung nhĩ kịch phát có thể tiến triển nặng hơn, trở thành rung nhĩ dai dẳng, rung nhĩ kéo dài hoặc rung nhĩ vĩnh viễn. Hơn 1/3 số bệnh nhân bị rung nhĩ kịch phát có thể tiến triển thành rung nhĩ dai dẳng trong vòng 10 năm. Nguy cơ này cao hơn ở nhóm bệnh nhân trẻ tuổi, có bệnh lý tăng huyết áp, suy tim kèm theo.
Vì vậy, nếu có triệu chứng bất thường, người bệnh nên đi khám chuyên khoa tim mạch càng sớm càng tốt để phát hiện bệnh sớm và điều trị kịp thời, hạn chế nguy cơ rung nhĩ kịch phát tiến triển nặng hơn và gây ra các biến chứng nghiêm trọng.
Rung nhĩ kịch phát có thể được chẩn đoán chỉ với một lần điện tâm đồ, quá trình khám không quá phức tạp. Do đó, người bệnh không nên e ngại, chần chừ thăm khám. Sau khi xác định bệnh, dựa trên điều kiện sức khỏe của riêng từng người, bác sĩ sẽ tư vấn hướng điều trị và theo dõi sức khỏe phù hợp.
Điều trị rung nhĩ kịch phát
Tùy theo tần suất của rung nhĩ kịch phát và các triệu chứng khó chịu của người bệnh, bác sĩ sẽ lựa chọn phác đồ điều trị phù hợp. Người bệnh có thể phải dùng một hoặc một vài loại thuốc như thuốc chống đông giúp hạn chế nguy cơ tắc mạch não, thuốc kiểm soát nhịp tim để tim không đập quá nhanh, thuốc chống loạn nhịp giúp đưa nhịp tim về nhịp xoang bình thường.
Ngoài ra, bác sĩ có thể chỉ định người bệnh thực hiện thủ thuật, phẫu thuật cần thiết nếu các loại thuốc không cải thiện được tình trạng rung nhĩ kịch phát. Một số can thiệp tim mạch trong điều trị rung nhĩ kịch phát bao gồm triệt đốt rung nhĩ qua ống thông, đặt máy tạo nhịp…
Để được tư vấn về bệnh lý rung nhĩ kịch phát hoặc đặt lịch khám với các bác sĩ, chuyên gia tim mạch hàng đầu của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, quý khách hàng vui lòng liên hệ hotline 024 3577 1100.