News - T2, 10/07/2024 - 09:08
NGUY CƠ ĐỘT QUỴ CÓ THỂ TĂNG GẤP 5 LẦN DO RUNG NHĨ
Lần cập nhật cuối 10/07/2024 - 09:10
Theo ThS. BS. Sabrina Stefanizzi Debuc - Bác sĩ Nội thần kinh người Pháp hiện đang làm việc tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Nguyên nhân chính gây đột quỵ đến từ các bệnh lý tim mạch, chủ yếu do huyết khối từ tim, hình thành nên bởi các rối loạn nhịp tim, đặc biệt là rung nhĩ.
Khi các cục máu đông đó di chuyển lên não sẽ chặn dòng máu đến một phần của não, có thể gây ra đột quỵ. Bệnh nhân đột quỵ thường có các triệu chứng như yếu hoặc tê một bên cơ thể, khó nói, rối loạn thị giác, mất thăng bằng. Đột quỵ có thể dẫn đến tổn thương não vĩnh viễn, mất khả năng vận động hoặc nói, trong trường hợp nặng có thể gây tử vong.”
Đặc biệt, rung nhĩ làm tăng nguy cơ đột quỵ do thiếu máu cục bộ lên gấp 5 lần
TS. BS Ngô Chí Hiếu - tiến sĩ Nội Tim mạch, khoa Tim mạch và Tim mạch can thiệp Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết: “Rung nhĩ là chứng rối loạn nhịp tim thường gặp nhất ở người lớn. Trong rung nhĩ, các tín hiệu trong buồng trên của tim (tâm nhĩ) rất hỗn loạn, gây ra tình trạng nhịp tim nhanh và không đều. Điều này có thể khiến máu ứ trệ lại trong buồng trên của tâm nhĩ và hình thành cục máu đông. Nếu cục máu đông ở tâm nhĩ trái thoát ra và xuống buồng thất, được tống ra ngoài thì có thể di chuyển đến não và gây đột quỵ.”
Rung nhĩ là nguyên nhân gây ra hơn 20% các trường hợp đột quỵ với nhiều biến chứng nghiêm trọng hơn, nguy hiểm hơn và để lại nhiều di chứng nặng nề. Đặc biệt, bệnh nhân rung nhĩ sẽ có nguy cơ đột quỵ cao hơn nếu họ có thêm các yếu tố nguy cơ như: tuổi tác cao, tiểu đường, huyết áp cao, có tiền sử đột quỵ, có bệnh động mạch ngoại biên hoặc bệnh động mạch vành.
Nguy cơ đột quỵ do bệnh lý tim mạch giảm nhiều lần nếu được điều trị sớm
Hiện nay, đột quỵ đang có xu hướng trẻ hóa với 1/3 số ca đột quỵ xảy ra ở tầm tuổi trung niên, một phần do liên quan đến lối sống căng thẳng, sử dụng thuốc lá, thức ăn nhanh, ít vận động… làm tăng nguy cơ gây ra bệnh lý tim mạch và các bệnh lý liên quan khác.
ThS. BS. Sabrina nhấn mạnh rằng chìa khóa để giảm nguy cơ đột quỵ là duy trì lối sống lành mạnh và chế độ ăn uống cân bằng, quản lý các yếu tố nguy cơ mạch máu, xác định rõ nguyên nhân bệnh lý để đưa ra lộ trình điều trị cá nhân hóa cho từng bệnh nhân.
Tại Trung tâm Phòng ngừa các bệnh lý về Tim - Mạch, Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có sự phối hợp đa chuyên khoa từ các bác sĩ Tim mạch, Nội thần kinh, Nội tiết, Đa khoa, với đầy đủ các thiết bị, máy móc hiện đại về chụp mạch não, chụp động mạch vùng cổ, tìm kiếm rối loạn nhịp tim, điện tim, điện tâm đồ, xét nghiệm đường huyết, chống đông… giúp các bác sĩ xác định chính xác nguyên nhân, giúp giảm rủi ro cho bệnh nhân có bệnh lý tim mạch xuống mức tối thiểu.
Bác sĩ Sabrina đặc biệt lưu ý đối với trường hợp bệnh nhân rung nhĩ, để phòng tránh nguy cơ, bệnh nhân nên:
- Điều trị bằng thuốc chống đông thế hệ mới. Lưu ý không tự ý dùng thuốc hoặc thay đổi liều lượng mà không có chỉ định của bác sĩ, thông báo với đội ngũ chuyên môn trong trường hợp có chỉ định phẫu thuật
- Kiểm soát những yếu tố nguy cơ, nhất là huyết áp, bởi huyết áp cao gây áp lực lên thành mạch, tổn thương nội mạc mạch, khiến mảng xơ vữa hình thành nhanh hơn
- Tái thông động mạch cảnh nếu hẹp trên 70%.
- Và quan trọng nhất là theo dõi thường xuyên, đều đặn, điều trị với sự phối hợp liên chuyên khoa từ bác sĩ Nội thần kinh, bác sĩ Tim mạch và các bác sĩ chuyên khoa giàu kinh nghiệm khác để có thể can thiệp đúng cách, kịp thời.
TS.BS Ngô Chí Hiếu cũng lưu ý thêm, đối với các trường hợp rung nhĩ có triệu chứng (khó thở, hồi hộp, mệt mỏi…), can thiệp đốt các ổ phát nhịp trong tim với hệ thống lập bản đồ tim 3D Abbott EnSite X EP System thế hệ mới nhất - đầu tiên ở Việt Nam tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là một biện pháp hiện đại giúp điều trị dứt điểm các rối loạn nhip nguy hiểm, đặc biệt là rung nhĩ.