News - T2, 10/07/2024 - 09:43
TRIỆT ĐỐT AN TOÀN ĐIỀU TRỊ RỐI LOẠN NHỊP TIM
Lần cập nhật cuối 10/07/2024 - 09:53
Tùy theo loại rối loạn nhịp tim, tới 95% bệnh nhân có cơ hội được điều trị triệt để, không cần dùng thuốc chống loạn nhịp cả đời.
Rối loạn nhịp tim xảy ra khi có bất thường trong quá trình tạo nhịp và dẫn truyền xung điện trong các buồng tim khiến tim đập nhanh hơn, chậm hơn, không đều hoặc mất nhịp sinh lý.
Để điều trị nhóm bệnh lý này, người bệnh có thể được dùng thuốc chống loạn nhịp, triệt đốt vị trí gây loạn nhịp, cấy máy tạo nhịp hoặc phẫu thuật. Trong đó triệt đốt qua ống thông giúp người bệnh điều trị triệt để, an toàn.
Triệt đốt qua ống thông – thành tựu y khoa trong điều trị rối loạn nhịp tim
Triệt đốt qua ống thông là phương pháp can thiệp tối thiểu. Ống thông được đưa vào buồng tim, tiếp cận vị trí cơ tim gây rối loạn nhịp tim. Năng lượng tần số radio tại đầu ống thông sẽ tạo tổn thương nhiệt phá hủy mô tim gây bệnh.
Phương pháp này có tính an toàn cao do nhiệt lượng tạo ra bằng năng lượng cao tần ở đầu ống thông đốt có thể lan dần theo chiều sâu toàn bộ bề dày của tim, giúp bác sĩ dễ dàng kiểm soát mức độ tổn thương, giảm diện tích tác động và nguy cơ biến chứng.
Kỹ thuật lập bản đồ điện sinh lý tim đã phát triển không ngừng, cho phép tái tạo cấu trúc tim bằng hình ảnh 3D có độ phân giải cao, rõ nét giúp chẩn đoán và can thiệp chính xác. Bác sĩ có thể quan sát được từng chi tiết chính xác tới từng milimet, xác định rõ ràng cơ chế điện gây bệnh.
Bất kể loại rối loạn nhịp tim nào giờ đây cũng đều có thể được triệt đốt với tỷ lệ thành công cao hơn nhiều so với điều trị nội khoa. So sánh tương quan giữa lợi ích của can thiệp và tỷ lệ biến chứng có thể xảy ra đã khiến triệt đốt trở thành lựa chọn đầu tiên trong điều trị rối loạn nhịp tim.
Trước đây, can thiệp thường được chỉ định khi điều trị nội khoa không còn hiệu quả hoặc bệnh nhân gặp tác dụng phụ của thuốc, tuy nhiên hiện nay bác sĩ có thể chỉ định can thiệp ngay từ đầu dựa trên sự cân nhắc về lợi ích của phương pháp và rủi ro có thể có cho bệnh nhân.
Theo Khuyến cáo từ Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu, triệt đốt được chỉ định ngay từ đầu cho bệnh nhân cuồng nhĩ từ năm 2004, cho bệnh Bouveret từ năm 2017 và cho bệnh rung nhĩ từ năm nay.
Kiểm soát biến chứng, nâng cao tỷ lệ thành công tới 95%
Tại Việt Nam, một số bệnh nhân vẫn còn khá lo ngại khi cân nhắc thực hiện phương pháp triệt đốt này do lo sợ biến chứng có thể xảy ra. Thấu hiểu tâm lý đó, tại Hội thảo Điều trị triệt để Rối loạn nhịp tim và Phòng ngừa đột quỵ vừa qua tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, TS. BS. Alain Lebon – Tiến sĩ y khoa tim mạch và điện sinh lý được chứng nhận bởi Hiệp hội Nhịp tim Châu Âu đã chia sẻ cụ thể về vấn đề này.
TS. BS. Alain Lebon cho biết: "Mức độ an toàn của phương pháp triệt đốt qua ống thông đang ngày càng được nâng cao. Hiện nay, tùy theo loại rối loạn nhịp, biến chứng thấp hơn 5% tổng số các ca can thiệp."
Lý giải các hướng kiểm soát an toàn cho thủ thuật, bác sĩ Lebon cho biết biến chứng thường gặp nhất trong số các biến chứng có thể gặp phải là chảy máu từ mạch máu ở đùi. Để ngăn chặn biến chứng này, tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cũng như các trung tâm y tế lớn tại Pháp, bác sĩ sẽ chọc tĩnh mạch, đưa ống thông vào buồng tim dưới hướng dẫn siêu âm.
Để phòng ngừa biến chứng tràn dịch ngoài màng tim, quan trọng nhất là chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ. Ngoài ra, bản đồ điện sinh lý 3D cho phép xác định khu vực dễ tổn thương, lực tại đầu ống thông được kiểm soát trong thời gian thực, nhờ vậy bác sĩ có thể đảm bảo ống thông tiếp xúc vừa đủ với mô để tạo ra tổn thương đốt mà không gây biến chứng. Siêu âm tim qua thực quản cũng làm giảm nguy cơ tràn dịch ở các bước nguy hiểm nhất khi vị trí can thiệp đốt ở bên trái của tim.
Như vậy, với hệ thống thiết bị hiện đại cùng chuyên môn và kinh nghiệm của bác sĩ chuyên khoa tim mạch, can thiệp triệt đốt giúp điều trị triệt để rối loạn nhịp tim với độ an toàn cao, ít biến chứng và hoàn toàn có thể kiểm soát.