News - T5, 11/09/2023 - 10:00
TĂNG HUYẾT ÁP THAI KỲ, MẸ BẦU NÊN LƯU Ý NHỮNG GÌ?
Lần cập nhật cuối 11/09/2023 - 10:01
Tăng huyết áp thai kỳ là hiện tượng tăng huyết áp xuất hiện sau tuần thứ 20 của thai kỳ và thường trở về mức bình thường 6 tuần sau sinh. Huyết áp mang bầu cao ở mức độ nhẹ vào khoảng 140-159/90-109 mmHg, mức độ nặng khi ≥160/100 mmHg.
Với nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chăm sóc thai kỳ chuyên sâu, Bác sĩ Patricia Dolley - khoa Sản & Phụ khoa Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội cho biết: “Tăng huyết áp thai kỳ thuộc top các bệnh gây nguy hiểm cho mẹ bầu và thai nhi với các biến chứng nguy hiểm như sau:
- Đối với sản phụ:
Tăng huyết áp thai kỳ có thể diễn tiến đến tiền sản giật: một căn bệnh phức tạp liên quan đến tăng huyết áp và protein trong nước tiểu, gây nguy cơ biến chứng khi mang thai như suy thận và suy gan, rối loạn đông máu, co giật và phù phổi cấp. Bên cạnh đó là một số rủi ro cho người mẹ sau khi sinh con, bao gồm khả năng hồi phục sau sinh chậm, tăng nguy cơ cao huyết áp và các vấn đề về tim mạch.
- Đối với thai nhi:
Khi người mẹ bị tăng huyết áp, nhau thai thường hoạt động kém hiệu quả và sự phát triển của thai nhi bị hạn chế, đôi khi có thể dẫn đến sinh non”
❗️ Các dấu hiệu cao huyết áp ở phụ nữ mang thai thường bao gồm:
- Sưng phù chân, tay;
- Tăng cân đột ngột;
- Rối loạn thị lực (nhìn mờ, nhìn đôi, mất thị lực thoáng qua,…);
- Buồn nôn, nôn mửa;
- Đau đầu dữ dội, đau vùng thượng vị, đau ngực sau xương ức và khó thở.
Bác sĩ Patricia Dolley nhấn mạnh: Mẹ bầu hãy thăm khám định kỳ hoặc bất cứ khi nào có những dấu hiệu khiến mẹ lo lắng để được theo dõi, phát hiện sớm những biến chứng nguy hiểm, đảm bảo sự phát triển tốt nhất cho bé yêu nhé.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám với BS. Patricia Dolley cũng như các bác sĩ chuyên khoa khác của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955