News - T4, 05/29/2024 - 09:26
PHÒNG NGỪA BIẾN CHỨNG TAI BIẾN MẠCH MÁU NÃO DO ĐÁI THÁO ĐƯỜNG
Lần cập nhật cuối 05/29/2024 - 09:29
Theo bác sĩ Nguyễn Văn Mùi, chuyên gia Nội tiết với hơn 20 năm kinh nghiệm tại Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội: “Đái tháo đường (ĐTĐ) là bệnh rối loạn chuyển hóa với đặc điểm là đường máu tăng cao kéo dài. Tình trạng tăng đường máu mãn tính làm tổn thương nhiều tổ chức, cơ quan trong cơ thể: tim mạch, thận, mắt, thần kinh. Trong các biến chứng của bệnh ĐTĐ, đột quỵ hay tai biến mạch não là biến chứng nguy hiểm và là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở người bị đái tháo đường.”
Nguy cơ đột quỵ từ đái tháo đường
Đột quỵ xảy ra khi một hay nhiều mạch máu cung cấp oxy cho não bị hư hỏng hoặc tắc nghẽn. Nếu tình trạng này kéo dài trên 3 phút, tế bào não bắt đầu chết. Có hai loại đột quỵ là đột quỵ xuất huyết do động mạch bị vỡ và đột quỵ do thiếu máu cục bộ (động mạch bị tắc nghẽn).
Tại sao người bị tiểu đường dễ bị đột quỵ não?
Theo bác sĩ Mùi, nguy cơ bị đột quỵ ở ĐTĐ type 2 tăng gấp 2 đến 4 lần so với người bình thường. Các yếu tố làm tăng nguy cơ biến chứng của bệnh ĐTĐ bao gồm:
- Người bị tiểu đường nguy cơ bị cao huyết áp gấp 2-3 lần người bình thường. Tăng huyết áp là một trong các nguyên nhân hàng đầu dẫn đến đột quỵ.
- Hiện tượng tăng đường huyết làm quá trình xơ vữa mạch máu diễn ra nhanh hơn người bình thường, hình thành cục máu đông trong lòng động mạch hay mảng xơ vữa lây bít tắc lòng mạch gây đột quỵ (hay tai biến mạch não). Mảng xơ vữa này không chỉ gây tổn thương não, khi xuất hiện ở tim gây nhồi máu cơ tim, cơn đau thắt ngực.
- Đa số người bệnh đái tháo đường có lượng cholesterol tăng cao làm mảng xơ vữa nhiều thêm, khiến tình trạng xơ vữa động mạch diễn ra nhanh hơn và nguy cơ tai biến cũng tăng lên.
Như vậy khi bị tiểu đường các yếu tố như: Xơ vữa động mạch, cao huyết áp, cục máu đông thường xuất hiện đồng thời, nguy cơ tai biến tăng gấp 2-4 lần nếu không kiểm soát và điều trị bệnh đúng hướng.
Kiểm soát các yếu tố nguy cơ đột quỵ ở người bệnh đái tháo đường
- Kiểm soát đường huyết và các bệnh đi kèm: Người bệnh phải thường xuyên theo dõi chặt chẽ đường huyết, những chỉ số đông máu, chỉ số cholesterol, triglycerid, huyết áp không bị tăng vọt hay giảm quá mức theo nguyên tắc điều trị của bác sĩ.
- Chế độ ăn uống: Những bệnh nhân bị đái tháo đường cần ăn nhạt, hạn chế ăn đồ ngọt, ăn ít mỡ, không dùng phủ tạng động vật, nên tuân thủ chế độ ăn được tư vấn bởi bác sĩ Dinh dưỡng.
- Không hút thuốc lá, hạn chế tối đa sử dụng các chất kích thích khác như rượu bia, cà phê, ngủ đủ giấc, hạn chế căng thẳng, mệt mỏi... Nên có chế độ dinh dưỡng giàu vitamin và chất xơ, đặc biệt là ăn nhiều rau xanh, trái cây tươi và uống đủ nước.
- Luyện tập thể thao: Người bệnh nên cố gắng tập thể dục ít nhất 30 phút mỗi ngày và 4 ngày mỗi tuần. Tranh thủ hoạt động thể lực bất cứ lúc nào, như là đi thang bộ thay cho việc đi thang máy, tập thói quen đi bộ đến những đại điểm gần để tránh những biến chứng đái tháo đường.
Tại bệnh viện Việt Pháp Hà Nội (HFH), lộ trình điều trị cho mỗi bệnh nhân được cá nhân hóa theo từng trường hợp cụ thể với tiêu chuẩn y tế chuẩn Âu Mỹ.
Bệnh nhân được phối hợp điều trị liên chuyên khoa dưới sự hội chẩn của bác sĩ Nội tiết, Nội thần kinh, Tim mạch, Hô hấp và Dinh dưỡng để mang lại hiệu quả cao nhất.
Để biết thêm thông tin chi tiết hoặc đặt lịch khám các bác sĩ chuyên khoa của HFH, vui lòng liên hệ qua HOTLINE 024.35771100, INBOX Fanpage “Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội” hoặc Zalo OA zalo.me/2008009049335817955