News - T4, 04/10/2024 - 09:04
Dấu hiệu trẻ mắc bệnh tay chân miệng cần đến bác sĩ ngay để tránh biến chứng
Lần cập nhật cuối 05/08/2024 - 11:31
Dù được coi là một trong những bệnh phổ biến quanh năm nhưng bệnh tay chân miệng (TCM) có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm não, viêm cơ tim, phù phổi cấp dẫn đến tử vong nếu không được phát hiện sớm, theo dõi và điều trị kịp thời. Do đó, phụ huynh phải biết sớm dấu hiệu trẻ mắc bệnh.
Là một bệnh truyền nhiễm do vi-rút gây ra nên bệnh TCM thường xảy ra quanh năm nhưng có thể bùng phát mạnh thành dịch nếu không kiểm soát tốt từ tháng 2- 4 và từ tháng 9-12. Bệnh thường gặp ở trẻ em dưới 5 tuổi.
Những dấu hiệu trẻ bị mắc TCM có biến chứng hoặc đe dọa có biến chứng
Thông thường, bệnh TCM thường nhẹ, chỉ gây sốt trong vài ngày với các biểu hiện đặc trưng nhưng thực tế các bác sĩ đã tiếp nhận điều trị nhiều trẻ mắc bệnh này gặp biến chứng với những biểu hiện bên ngoài kín đáo khó nhận biết:
- Triệu chứng toàn thân không đặc hiệu: Đây là triệu chứng ban đầu ở trẻ khi mắc bệnh. Khi ấy trẻ có thể sốt trên 38,5 độ C kéo dài hơn 48 giờ, không đáp ứng với thuốc hạ sốt và thường kèm theo đau họng, đau miệng khiến trẻ đồng thời trẻ sẽ trở nên khó chịu, biếng ăn. Khoảng 1 hoặc 2 ngày sau khi khởi phát sốt, mụn nước sẽ bắt đầu xuất hiện trong miệng, họng, hoặc ở cả hai nơi.
- Trẻ bị giật mình vô cớ 2 lần trong 30 giây: Phụ huynh cần chú ý quan sát tần suất giật mình vô cớ của trẻ có tăng theo thời gian không vì nếu giật mình vô cớ hơn 2 lần trong 30 giây có thể là dấu hiệu của tình trạng nhiễm độc thần kinh. Nhiều trường hợp trẻ ở tình trạng nặng sẽ bị giật mình liên tục hoặc giật mình ngay cả lúc ngủ sâu.
- Trẻ quấy khóc dai dẳng kéo dài: Trẻ có thể quấy khóc nhiều hoặc quấy khóc cả đêm không ngủ, khoảng 15-20 phút lại thức giấc và quấy khóc không thể dỗ được.
- Trẻ bị khó thở, nôn nhiều, nôn khan, khó nuốt, yếu chân tay, đi loạng choạng: Ngoài nổi hồng ban mụn nước ở tay chân mông gối, loét miệng, kèm thêm việc xuất hiện một trong các triệu chứng, ói nhiều, thở bất thường, run tay chân, đi loạng choạng, ngồi không vững,… Đó là những dấu hiệu mà phụ huynh phải đưa con đi bệnh viện ngay.
- Tổn thương trên da với các nốt ban mụn nước giúp chẩn đoán bệnh dễ dàng nhưng không phải là dấu hiệu tiên lượng rộng của bệnh.
Lưu ý những trường hợp tổn thương da kín đáo, khó phát hiện, những trẻ có những triệu chứng nghi ngờ biến chứng cần được thăm khám cẩn thận, lưu viện xử trí kịp thời.
Những hiểu lầm phổ biến của phụ huynh về bệnh TCM ở trẻ
- Chỉ trời nồm trẻ mới bị TCM: Nhiều người cứ nghĩ bệnh TCM chỉ bùng phát khi trời trở nồm nhưng thực tế bệnh xảy ra quanh năm, thường gặp vào mùa xuân, mùa hè và đầu mùa thu, hiện nay bệnh chưa có vaccine phòng ngừa.
- Trẻ bị TCM chỉ mắc 1 lần là không bị nữa: Nhiều phụ huynh cho rằng, những trẻ đã từng mắc bệnh tay chân miệng sẽ có miễn dịch tự nhiên đối với virus gây bệnh và không bị nữa. TCM là một hội chứng do nhiều loại vi rút gây ra nên trẻ có thể mắc nhiều lần trong các đợt dịch khác nhau.
- Trẻ bị TCM nhẹ thì lần sau sẽ bị nặng và ngược lại: Vius đường ruột gây bệnh TCM có rất nhiều loại. Do đó có khả năng đợt này trẻ mắc loại virus này có biểu hiện nhẹ, đợt sau có thể mắc loại khác có biểu hiện nặng và ngược lại, vì vậy phụ huynh không được chủ quan lơ là. Khi đánh giá mức độ nặng cần bám sát các triệu chứng lâm sàng.
- Chỉ trẻ dưới 3 tuổi mới bị bệnh TCM: TCM là một căn bệnh truyền nhiễm phổ biến thường gặp, nhưng độ tuổi bị bệnh nhiều nhất là trẻ em dưới 5 tuổi. Trẻ lớn và người lớn có thể mắc nhưng hiếm gặp hơn.
- Tất cả trẻ mắc TCM đều cần nhập viện: Nhiều trẻ mắc TCM có thể tự khỏi, không cần nhập viện. Rất nhiều trường hợp TCM độ 1 chỉ có tổn thương da, niêm mạc không có biến chứng sẽ tự khỏi. Một số nhỏ có biến chứng hoặc đe dọa biến chứng cần nhập viện.
Điểm danh những biện pháp phòng ngừa bệnh TCM hiệu quả ở trẻ
Hiện nay tại Việt Nam diễn biến bệnh TCM rất đa dạng và chưa có vắc-xin phòng bệnh, vì thế biện pháp hiệu quả nhất trong phòng ngừa và khống chế dịch là phòng lây lan từ người bệnh sang người lành, các biện pháp phòng bệnh không đặc hiệu:
- Hạn chế cho trẻ tiếp xúc với người bị TCM. Nếu có tiếp xúc hoặc chăm sóc trẻ bị TCM cần rửa tay kỹ với xà phòng hoặc chất tẩy rửa để được khử trùng sạch sẽ, tránh lây lan bệnh cho trẻ.
- Tuyệt đối không được chọc vỡ các mụn nước hoặc bọng nước trên da của trẻ để tránh bị nhiễm trùng nặng hơn. Không tự ý mua thuốc điều trị cho trẻ.
- Cẩn thận che mũi miệng khi trẻ hắt hơi hoặc ho, vứt khăn giấy và tã đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp đậy cẩn thận.
- Luôn lau dọn đồ chơi, đồ dùng và phòng của trẻ bằng các dung dịch sát khuẩn phù hợp.
- Cho trẻ ăn chín, uống chín, đảm bảo sạch sẽ trong sinh hoạt hàng ngày, không mớm thức ăn, không cho trẻ ăn bốc, mút tay hay ngậm mút đồ chơi; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa chưa được khử trùng.
- Khi nghi ngờ mắc bệnh, trẻ cần được chú ý theo dõi chặt chẽ tại các cơ sở y tế, khoa nhi, bệnh viện nhi hoặc các cơ sở điều trị bệnh truyền nhiễm có chuyên khoa nhi.
- Khi mắc cần theo dõi sát sao, phát hiện dấu hiệu đe dọa biến chứng để xử lý kịp thời.
Khoa Nhi - Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội là một trong các bệnh viện đa chuyên khoa với đội ngũ bác sĩ chuyên khoa nhi giỏi, có trình độ chuyên môn cao, giàu kinh nghiệm, am hiểu tâm lý trẻ giúp xử lý nhanh, kịp thời khi phát hiện ra bệnh, mang lại sự tin tưởng, hài lòng cho hàng ngàn phụ huynh Hà Nội có con nhỏ.
Tại bệnh viện có dịch vụ khám chữa bệnh toàn diện với các kỹ thuật chuyên sâu giúp việc điều trị bệnh hiệu quả hơn. Bên cạnh đó phòng ốc sạch sẽ, thân thiện giúp các bé làm quen nhanh với môi trường bệnh viện, hợp tác điều trị, nâng cao hiệu quả khám chữa bệnh.
Để đặt lịch khám tại viện, phụ huynh vui lòng bấm số HOTLINE 024.35771100 – 0903497078 hoặc gọi đặt lịch trực tiếp Zalo OA zalo.me/2008009049335817955.