Tin Tức - T2, 07/31/2017 - 17:26
Viêm phổi ở trẻ em
Lần cập nhật cuối 08/30/2018 - 15:28
Viêm phổi ở trẻ em là tình trạng nhiễm trùng đường hô hấp cấp nặng, gây tổn thương nhu mô phổi dẫn đến suy hô hấp do rối loạn trao đổi khí, là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trong các bệnh về đường hô hấp ở trẻ em. Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi, tuy nhiên trẻ dưới 2 tuổi hay gặp hơn. Theo tổ chức y tế thế giới và UNICEF, năm 2015, khoảng 16% trẻ tử vong dưới 5 tuổi là do viêm phổi. Tại khoa Nhi Bệnh viện Việt Pháp Hà nội, theo thống kê năm 2016, tỷ lệ bị viêm phế quản phổi và viêm phổi nhập viện chiếm 25% trong tổng số trẻ bị nhiễm khuẩn đường hô hấp.
Dịch tễ học: bệnh xảy ra quanh năm nhưng hay gặp vào mùa thu đông và đầu xuân. Bệnh chủ yếu lây truyền qua đường hô hấp. Vi khuẩn, vi rút trú ngụ ở mũi họng và được phát tán khi trẻ ho, hắt hơi, chảy mũi. Trẻ sơ sinh có thể bị bệnh do lây qua đường máu ở giai đoạn khi sinh và ngay sau sinh.
Nguyên nhân gây viêm phổi là gì?
- Do vi rút, vi khuẩn, nấm và ký sinh trùng. Theo đánh giá chung, viêm phổi ở trẻ trên 5 tuổi thường do vi khuẩn, ngược lại dưới 5 tuổi chủ yếu do vi rút. Tuy nhiên thực tế lâm sàng không dễ phân biệt căn nguyên do vi khuẩn hay vi rút. Hơn nữa, ở trẻ nhỏ với khả năng miễn dịch bảo vệ thấp, khởi đầu có thể bị nhiễm vi rút, nhưng nếu không kiểm soát tốt, bội nhiễm vi khuẩn rất dễ xảy ra.
- Các tác nhân gây bệnh hay gặp: streptococcus pneumoniae, hemophilus influenzae type b, group b streptococci, mycoplasma pneumoniae, respiratory syncytial virus, influenza virus và adenovirus.
Nhóm trẻ nào có nguy cơ cao dễ bị viêm phổi?
- Trẻ sống trong không gian chật chội, ô nhiễm môi trường trong nhà và xung quanh. Đặc biệt nếu trẻ tiếp xúc với khói thuốc lá, khói bếp lò than...
- Trẻ em ở độ tuổi đến trường thường dễ bị bệnh hoặc mang các tác nhân gây bệnh về lây nhiễm cho anh chị em trong gia đình.
- Trẻ có khả năng miễn dịch thấp (trẻ đẻ non, trẻ không được bú mẹ, suy dinh dưỡng) hoặc mắc các chứng bệnh mạn tính như: bệnh tim bẩm sinh, xơ hóa phế quản phổi, hen suyễn, trào ngược dạ dày thực quản, rối loạn miễn dịch bẩm sinh và mắc phải…
>>> Da con bạn có bị ngứa và mẩn đỏ không? Đó có thể là viêm da cơ địa!
Dấu hiệu lâm sàng báo hiệu có thể trẻ bị viêm phổi?
- Hầu hết các trường hợp bị viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt và bú kém. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh, trẻ nhỏ có thể sốt hoặc không sốt thậm chí hạ thân nhiệt, bỏ bú và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng.
Các biểu hiện viêm phổi nặng?
- Trẻ khó thở, nhịp thở nhanh (<2 tháng:≥ 60 lần/phút. 2-12 tháng:≥50 lần/phút. 1-5 tuổi:≥ 40 lần/phút); bú kém; phập phồng cánh mũi; co kéo cơ liên sườn, rút lõm lồng ngực, hõm ức; đau ngực khi ho hoặc thở sâu; tím môi, tím đầu chi và có thể có cơn ngừng thở.
Viêm phổi được chẩn đoán và điều trị như thế nào?
- Các Bác sĩ có thể chẩn đoán viêm phổi sau khi khám lâm sàng. Tuy nhiên cũng cần chỉ định chụp phổi để chẩn đoán xác định và đánh giá chính xác mức độ tổn thương phổi. Ngoài ra các xét nghiệm máu, cấy dịch tiết đường hô hấp cũng được tiến hành tùy thuộc vào mức độ của bệnh và để tìm căn nguyên gây bệnh.
- Tùy thuộc vào lứa tuổi, nguyên nhân và mức độ bệnh. Bác sĩ sẽ chỉ định cho trẻ uống hoặc tiêm kháng sinh và các thuốc điều trị hỗ trợ khác.
Khi nào trẻ cần nằm viện điều trị?
- Viêm phổi có thể được điều trị tại nhà bằng các thuốc đường uống. Việc chỉ định nằm viện phụ thuộc vào nhiều yếu tố như:
- Viêm phổi nặng hoặc có dấu hiệu đe dọa nặng lên.
- Viêm phổi ở trẻ dưới 6 tháng tuổi.
- Những trẻ hiện tại chưa nặng nhưng không thể uống đủ thuốc, nôn nhiều, ăn uống kém.
- Trường hợp điều trị ngoại trú thất bại (sau 48-72 giờ điều trị trẻ có dấu hiệu không thuyên giảm hoặc nặng lên).
- Cũng cần phải cho nhập viện những trẻ mà gia đình ở xa, khó tiếp cận cơ sở y tế khi cần hỗ trợ và những gia đình không thể đảm bảo tốt việc chăm sóc và theo dõi trẻ tại nhà.
Những điều gì cần lưu ý khi chăm sóc trẻ bị viêm phổi tại nhà?
- Cha mẹ cần tuân thủ y lệnh của bác sĩ. Cho bé uống thuốc đủ liều lượng, số lần, số ngày, khoảng cách thời gian theo đơn. Thường xuyên thông báo các bất thường nếu có. Không tự ý dừng hoặc thay đổi thuốc khi chưa có ý kiến của bác sĩ.
- Sắp xếp sao cho trẻ được thoải mái nhất có thể, đảm bảo bé được nghỉ ngơi tối đa. Cần cho trẻ ăn uống đầy đủ. Vì khi bị viêm phổi trẻ thường dễ bị nôn trớ, do vậy phải chia nhỏ bữa và tăng số bữa ăn lên, tăng dần theo đáp ứng của trẻ.
- Các thuốc có tác dụng hạ sốt, giảm đau như paracetamon (efferalgan, tylenol…) và ibuprofen (ibrafen, advil…) cần được sử dụng đúng liều (theo cân nặng) hoặc theo chỉ dẫn của bác sĩ.
- Không cho trẻ uống các thuốc giảm ho vì ít hiệu quả và có thể có các tác dụng phụ không tốt. Cũng không được cho trẻ dưới 18 tuổi uống aspirin và các thuốc có chứa aspirin vì nó có thể gây ra hội chứng Reye rất nguy hiểm ở trẻ em.
- Khám lại ngay nếu sau 2 ngày điều trị bệnh không thuyên giảm hoặc trẻ có dấu hiệu nặng lên. Vì trẻ có thể cần được thay đổi thuốc hoặc phải nhập viện để được điều trị tích cực hơn.
Phòng bệnh viêm phổi như thế nào?
- Đảm bảo cho trẻ được bú mẹ ít nhất trong 6 tháng đầu và có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, hợp lý.
- Trẻ bị viêm phổi không phải hoàn toàn do trẻ không được mặc ấm, vì thời tiết nóng hoặc lạnh (như chúng ta thường nghĩ…), mà chủ yếu do trẻ bị nhiễm từ cộng đồng (trong gia đình hoặc bên ngoài). Do vậy, cần tạo cho trẻ có môi trường sống trong lành: không khói thuốc lá và các ô nhiễm khác.
- Tránh tiếp xúc đám đông, đặc biệt người ốm có dấu hiệu hắt hơi, sổ mũi, đau họng, ho…, chủ động phòng ngừa (đeo khẩu trang khi cần, rửa tay thường xuyên) là những biện pháp hữu hiệu mà chúng ta thường dễ bỏ qua.
- Trẻ cần được tiêm chủng đầy đủ và đúng lịch theo qui định. Tiêm chủng là biện pháp phòng bệnh đặc hiệu, nhằm tạo cho trẻ có miễn dịch chủ động chống lại bệnh tật khi bị lây nhiễm. Tiêm chủng không chỉ phòng tác nhân gây bệnh đường hô hấp mà còn phòng nhiều bệnh lý khác, góp phần tạo nên cơ thể khỏe mạnh thì nguy cơ bị viêm phổi cũng được hạn chế.
- Bệnh viện Việt Pháp Hà nội có đầy đủ các loại vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới và Bộ Y tế Việt nam cấp phép sử dụng. Trong đó có những vắc xin phòng bệnh đường hô hấp như cúm, H. influenzae type b (Hib), sởi, ho gà, thủy đậu…đặc biệt chúng tôi đã đưa vào tiêm chủng loại vắc xin phòng nhiễm trùng do S. pneumoniae, là một trong những căn nguyên vi khuẩn hàng đầu gây viêm phổi, viêm tai và viêm màng não mủ ở trẻ nhỏ.
TRẢ LỜI VÀ TƯ VẤN TRỰC TUYẾN
Để tư vấn trực tuyến với bác sỹ Nhi khoa, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi tại đây