Tin tức - T6, 03/22/2019 - 10:59
Ung thư phổi không đáng sợ nếu phát hiện sớm và điều trị đúng
Lần cập nhật cuối 03/22/2019 - 10:59
Ảnh minh họa
Ung thư phổi là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trong các loại bệnh ung thư ở cả nam và nữ. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán ung thư phổi ở giai đoạn tiến triển, vì vậy tiên lượng ở các bệnh nhân ung thư phổi còn xấu. Tuy nhiên, ung thư phổi là căn bệnh có thể phòng ngừa nếu thay đổi lối sống, phát hiện sớm và điều trị đúng chỉ dẫn.
Theo ThS.BS. Trần Phạm Hải, Khoa Hô hấp-Dị ứng của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội, ung thư phổi là bệnh lý ác tính. Hiện đã có nhiều tiến bộ trong chẩn đoán và điều trị ung thư phổi, nhưng tiên lượng vẫn còn dè dặt. Bệnh phát triển âm thầm, ít hoặc không có triệu chứng.
Ung thư phổi chia làm 2 nhóm: Ung thư phổi tế bào nhỏ và ung thư phổi không tế bào nhỏ. Trong đó 80-85% là ung thư phổi không tế bào nhỏ.
Những dấu hiệu đầu tiên của bệnh ung thư phổi bắt đầu lặng lẽ, không đặc hiệu, khiến cho việc chẩn đoán hết sức khó khăn. Bệnh thường không có triệu chứng hoặc dấu hiệu cảnh báo trong giai đoạn đầu. Khi bệnh nặng hơn, xuất hiện ho dai dẳng, triệu chứng này thường gặp nhất (70-90% số ca bệnh). Tuy nhiên, ho cũng là triệu chứng của nhiều bệnh lý khác, nên bệnh nhân có thể không đi khám để tầm soát và thậm chí cả thầy thuốc đôi khi bỏ qua chẩn đoán ung thư phổi khi có triệu chứng này.
Bệnh nhân buộc phải đi khám có thể do các triệu chứng như: Ho ra máu, đau ngực, khó thở, đau xương khớp, khàn tiếng, sụt cân... các biểu hiện này thường xuất hiện vào giai đoạn muộn của bệnh. Khi bệnh ở giai đoạn tiến triển, triệu chứng thường đa dạng hơn tùy theo vị trí u, mức độ lan rộng của tổn thương. Người bệnh có thể thấy đau ngực dai dẳng, tại một vị trí; khó thở khi khối u to, chèn ép, bít tắc đường thở; khó nuốt, nuốt đau; hồi hộp, tim đập nhanh, mệt mỏi, gầy sút cân nhanh.
Khi bác sĩ nghi ngờ bệnh nhân mắc ung thư phổi với các triệu chứng điển hình như ho kéo dài hoặc gầy sút cân, lúc đó, bác sĩ sẽ chỉ định người bệnh thực hiện một số xét nghiệm chẩn đoán hình ảnh, như: Chụp X-quang ngực; chụp cắt lớp vi tính (CT); kiểm tra tế bào hoặc đờm: chất lỏng đặc (đờm) lấy khi bệnh nhân ho và được xét nghiệm để kiểm tra tế bào ung thư. Xét nghiệm hút dịch phổi để lấy dịch màng phổi nhằm xét nghiệm tế bào ung thư; nội soi phế quản để lấy dịch phế quản-phế nang và sinh thiết nếu nghi ngờ, sinh thiết khối u phổi dưới hướng dẫn của cắt lớp vi tính.
Theo các chuyên gia y tế, với những tiến bộ về chẩn đoán và điều trị hiện nay, bệnh ung thư phổi có thể được điều trị dứt điểm nếu được phát hiện sớm. Như người ung thư phổi được phát hiện ở giai đoạn 1, tỷ lệ sống sót sau 5 năm lên tới 80%. Nếu được phẫu thuật ở giai đoạn sớm, tỷ lệ sống sau 5 năm ở bệnh nhân ung thư phổi có thể đạt trên 90%.
Bệnh nhân ung thư phổi giai đoạn muộn (không còn khả năng phẫu thuật), tỷ lệ sống sót trong vòng 24 tháng chỉ chiếm 17 - 34%. Phần lớn bệnh nhân ở Việt Nam được phát hiện ở giai đoạn muộn, không còn khả năng điều trị triệt để.
Khoa Hô hấp-Dị ứng của Bệnh viện Việt Pháp Hà Nội có khả năng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý về đường hô hấp, về phổi và bao gồm cả Lao phổi và Lao ngoài phổi. Khoa thực hiện khám và điều trị bệnh hô hấp, như: Viêm đường hô hấp trên: Viêm phế quản cấp, mãn; Viêm phổi; Áp xe phổi; Lao phổi và lao ngoài phổi; Bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính; Hen phế quản; Dãn phế quản….
Đồng thời, Khoa Hô hấp-Dị ứng còn thực hiện các thủ thuật, như: Thăm dò chức năng hô hấp và test phục hồi phế quản; Chọc dò và sinh thiết màng phổi; Mở màng phổi, đặt sonde dẫn lưu màng phổi; Nội soi phế quản ống mềm; Sinh thiết khối u, thành phế quản; Phối hợp với phẫu thuật viên lồng ngực…
Để biết thêm chi tiết, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi về cho bác sĩ tại đây.