News - T3, 12/17/2019 - 10:14
Phòng tránh và điều trị cúm mùa
Lần cập nhật cuối 07/27/2023 - 14:31
Cúm mùa là gì?
Cúm theo mùa (hoặc "cúm") là một nhiễm vi rút cấp tính do vi rút cúm tuýp A hoặc B gây ra. Nó lây nhiễm và dễ lây lan từ người sang người. Các triệu chứng thông thường của cúm mùa gồm:
- Sốt đột ngột ,
- Ho (thường là ho khan),
- Nhức đầu, đau cơ và khớp, đau họng và chảy nước mũi.
Có thể ho nặng và kéo dài ít nhất hai tuần. Hầu hết người bệnh hồi phục trong vòng một tuần mà không cần phải chăm sóc y tế. Tuy nhiên, bệnh cúm là một vấn đề y tế công cộng nghiêm trọng có thể gây ra bệnh nặng và tử vong.
Bệnh cúm được điều trị thế nào?
- Uống nhiều nước và nghỉ ngơi
- Sử dụng thuốc kháng vi rút cúm, lý tưởng nhất là trong vòng 48 giờ sau khi xuất hiện triệu chứng có thể làm giảm các biến chứng nghiêm trọng và tử vong, nhưng các vi rút cúm có thể phát triển gây kháng thuốc
- Thuốc kháng sinh KHÔNG có tác dụng điều trị vi rút cúm.
Làm thế nào để không bị mắc cúm mùa?
Cách tốt nhất để tránh mắc cúm là tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm. WHO khuyến cáo tiêm phòng vắc xin cho các nhóm có nguy cơ cao như phụ nữ có thai, trẻ em dưới 5 tuổi, người già, người mắc bệnh mạn tính và nhân viên y tế. Người dân nên tiêm phòng vắc xin lý tưởng nhất là trước khi vào mùa cúm (mùa cúm ở Việt Nam thông thường là từ tháng 4 đến tháng 9) để có hiệu quả tốt nhất, mặc dù vậy, tiêm phòng vào bất cứ thời điểm nào trong mùa cúm đều vẫn có thể giúp phòng ngừa mắc bệnh.
Làm thế nào để dự phòng cúm lây lan?
Bệnh cúm có thể lây lan nhanh chóng khi người bệnh ho hoặc hắt xì hơi, làm bắn nước bọt chứa vi rút vào không khí. Bệnh cúm cũng có thể lây lan từ tay người bị nhiễm vi rút. Những người có các triệu chứng của cúm được khuyến khích nên ở nhà. Để tránh lây truyền, mọi người nên che miệng và mũi bằng khăn khi ho, bỏ khăn đã dùng vào thùng rác, rửa tay sạch và thường xuyên.
Tỷ lệ mắc bệnh cúm hàng năm thay đổi, tùy thuộc vào tính độc hại của các loại cúm lưu hành, tính nhạy cảm của quần thể dân cư, độ bao phủ của vắc-xin và vắc-xin phù hợp với vi rút cúm lưu hành.
Theo Tổ chức Y tế Thế Giới