News - T6, 06/28/2024 - 17:13
Hướng dẫn chi tiết sơ cứu người bị ngất
Lần cập nhật cuối 06/28/2024 - 17:13
Ngất (ngất xỉu) có thể xảy ra ở mọi đối tượng trong bất kỳ thời điểm nào. Chứng kiến người ngất xỉu thường khiến chúng ta lo lắng, không biết cần sơ cứu ra sao để đảm bảo an toàn. Dưới đây là hướng dẫn chi tiết để mỗi người có thể sơ cứu người bị ngất nhanh chóng.
Ngất xỉu là gì?
Ngất hay té xỉu là hiện tượng đột ngột mất ý thức kèm theo mất trương lực tư thế (ngã) do não thiếu hụt máu trong thời gian ngắn. Người bị ngất có thể tự tỉnh dậy sau vài giây đến vài phút. Nhiều trường hợp, người ngất xỉu cần thêm thời gian để thoát khỏi tình trạng mệt mỏi, choáng váng.
Ngất xỉu có thể liên quan đến việc bị kích động, sốc, mất nước, các vấn đề sức khỏe thoáng qua nhưng cũng có thể là triệu chứng của một số vấn đề tim mạch.
Làm gì khi thấy người ngất xỉu?
Khi thấy một người có dấu hiệu tiền ngất như choáng váng, thở hụt hơi, vã mồ hôi việc đầu tiên cần làm là để người đó nằm xuống trên một mặt phẳng hoặc ngồi ở tư thế cúi mặt, đặt đầu giữa hai đầu gối, nghỉ ngơi và tuyệt đối không đứng dậy quá nhanh khiến thiếu máu lên não đột ngột.
Khi thấy người ngất xỉu, trước hết bạn cần xác định các dấu hiệu nguy hiểm cần gọi cấp cứu:
-
Mắt môi nhợt nhạt, tím tái
-
Nhịp tim chậm hoặc quá nhanh
-
Ngưng thở
-
Co giật
-
Mất nhiều hơn vài phút để tỉnh lại
Các trường hợp nguy hiểm này thường xảy ra khi:
-
Bị đập đầu mạnh khi ngã
-
Bị chảy máu hoặc chấn thương
-
Ngất khi đang tập thể dục hoặc hoạt động thể chất mạnh
-
Ngất lặp lại nhiều lần
Trong khi chờ đợi xe cấp cứu đến, người bị ngất cần được sơ cứu như sau:
-
Kiểm tra nhịp thở, nếu nạn nhân ngừng thở cần hô hấp nhân tạo và ép tim ngoài lồng ngực trong khi chờ xe cấp cứu
-
Kiểm tra xem nạn nhân có chảy máu hoặc tổn thương ở đâu không, trường hợp nạn nhân có chấn thương, mất máu thì cần ưu tiên cầm máu
-
Đặt người bị ngất xỉu nằm ngửa, nếu nạn nhân còn nhịp thở và không có dấu hiệu chấn thương hoặc tổn thương trên cơ thể, giơ hai chân lên cao hơn so với ngực (cao hơn tim) khoảng 30-35cm và giữ trong khoảng 10 phút để máu lưu thông về não
-
Nới lỏng quần áo, đặc biệt là vị trí cổ áo, thắt lưng, các vị trí cơ thể bị trang phục bó sát
-
Quay đầu nạn nhân qua một bên đề phòng hít sặc chất nôn hoặc tụt lưỡi vào cổ họng
-
Lay mạnh, gọi lớn hoặc cố tình làm đau để xem nạn nhân có phản ứng hay không
Ngoài ra, bạn có thể áp dụng một số biện pháp hỗ trợ như:
-
Ngửi dầu gió hoặc dầu nóng
-
Đắp chăn nếu nạn nhân bị hạ thân nhiệt xuống dưới 36 độ
Lưu ý khi sơ cứu cho người bị ngất xỉu
Trong đa số các trường hợp, tình trạng ngất xỉu không quá nghiêm trọng, người bệnh có thể tỉnh lại sau vài giây đến vài phút. Việc sơ cứu không đúng cách có thể làm trầm trọng hơn tình trạng của nạn nhân và gây biến chứng không đáng có. Trong quá trình sơ cứu bạn cần lưu ý:
-
Không tập trung quá đông người quanh nạn nhân do người bị ngất xỉu cần không khí trong lành và không gian để hít thở
-
Không châm kim vào tay người bị ngất xỉu, tránh nhiễm trùng
-
Không áp dụng các biện pháp dân gian chưa được chứng minh để sơ cứu, đặc biệt là khi chưa biết rõ nguyên nhân gây ngất xỉu
-
Khi nạn nhân chưa hồi phục ý thức, không cho bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân để tránh hít sặc vào phổi
Cần làm gì khi bản thân có dấu hiệu ngất xỉu?
Trước khi ngất, bạn có thể gặp phải một số dấu hiệu:
-
Ớn lạnh, vã mồ hôi
-
Chóng mặt
-
Đầu óc lâng lâng
-
Nóng
-
Đau bụng dữ dội
-
Căng thẳng, đau đầu
-
Hụt hơi
-
Nôn, buồn nôn
-
Thay đổi thị lực: nhìn mờ, thấy bóng đen mờ, thấy các đốm sáng
-
Ù tai
-
Mất kiểm soát cơ bắp, tê tay chân
Những dấu hiệu này thường xảy ra rất nhanh, do đó ngay khi nhận thấy nguy cơ ngất xỉu, bạn cần:
-
Dừng việc đang làm, dừng xe vào lề đường an toàn nếu đang lái xe
-
Bình tĩnh, hít thở sâu để giảm lo lắng và điều hòa nhịp tim
-
Từ từ ngồi hoặc nằm xuống: cúi gục đầu giữa hai đầu gối hoặc giơ chân cao hơn so với thân mình nếu nằm
-
Ra tín hiệu cần giúp đỡ đề phòng trường hợp bạn ngất do chấn thương hoặc mất nhiều thời gian để tỉnh lại
-
Uống nước ấm hoặc nước đường nếu thường bị choáng váng do tụt huyết áp hoặc đói
Khi dấu hiệu tiền ngất qua đi hoặc khi tỉnh lại khỏi cơn ngất ngắn, bạn cần nghỉ ngơi, tuyệt đối không được chuyển tư thế nhanh để tránh nguy cơ ngất thêm lần nữa. Nếu sau khi nghỉ ngơi vẫn thấy mệt mỏi hoặc lần đầu tiên bị ngất, bạn cần nhờ người thân đưa đến cơ sở gần nhất để kiểm tra kỹ hơn và xác định nguyên nhân.
Cần làm gì khi người ngất xỉu tỉnh lại?
Trong hầu hết các trường hợp, người bị ngất có thể tỉnh lại sau vài giây hoặc vài phút. Khi đó người xung quanh có thể hỗ trợ nạn nhân bằng cách:
-
Cho uống nước ấm hoặc nước đường nếu biết rõ ngất do tụt huyết áp
-
Tạo môi trường cho người bị ngất nghỉ ngơi thêm một thời gian
-
Tìm hiểu thông tin nhằm xác định nguyên nhân gây ngất xỉu
-
Đưa nạn nhân đến các cơ sở y tế gần nhất để kiểm tra chấn thương hoặc các dấu hiệu bất thường
Làm gì nếu ngất nghi ngờ do vấn đề tim mạch?
Nếu tình trạng ngất xỉu xảy ra, người bệnh cần được kiểm tra sức khỏe, đặc biệt là các vấn đề tim mạch càng sớm càng tốt.
Người ngất cần lưu ý tầm soát vấn đề tim mạch nếu:
-
Tiền sử gia đình có bệnh lý tim mạch, tim bẩm sinh hoặc đột tử
-
Tình trạng ngất xảy ra khi gắng sức hoặc đang nằm
-
Khởi phát hồi hộp đột ngột ngay khi ngất
Khi thăm khám bác sĩ sẽ đánh giá bệnh sử toàn diện, chỉ định điện tâm đồ, holter điện tim, siêu âm tim và các xét nghiệm cần thiết để đánh giá chính xác, từ đó đưa ra hướng điều trị hoặc điều chỉnh lối sống phù hợp.