Tin tức - T3, 07/17/2018 - 10:20
Bạn đã nhiễm vi khuẩn HP : dưới đây là một số thông tin bổ ích dành cho bạn!
Lần cập nhật cuối 07/25/2018 - 14:28
Vi khuẩn Helicobacter pylori (HP) là gì ?
Vi khuẩn HP (tên đầy đủ là Helicobacter pylori hay H. pylori) là một loại vi khuẩn sống trong dạ dày người, và để có thể tồn tại trong môi trường của acid dạ dày, vi khuẩn Hp tiết ra một loại enzyme tên Urease giúp nó trung hòa độ acid trong dạ dày.
Vi khuẩn này có thể sinh sống và phát triển trong lớp nhày trên bề mặt niêm mạc dạ dày. Nó có thể gây ra tình trạng viêm, còn gọi là viêm dạ dày mãn tính, thường phát triển mà không có bất kỳ biểu hiện đặc biệt và đôi khi tồn tại suốt đời.
Bên cạnh đó, vi khuẩn Helicobacter pylori có thể gây ra những tổn thương khác như loét hoặc trong số ít trường hợp có thể phát triển thành ung thư dạ dày. Những tổn thương này được hình thành trong nhiều năm và tiến triển tương đối chậm : đôi khi phải mất hơn 30 năm kể từ khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện!
Ai có thể bị nhiễm?
Người ta ước tính hiện nay có khoảng 50% dân số thế giới nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori. Đây được coi là loại nhiễm khuẩn mãn tính phổ biến nhất trên người chỉ xếp sau vi khuẩn gây sâu răng.
Tỉ lệ nhiễm khuẩn dao động phụ thuộc vào nhiều yếu tố như tuổi tác, vị trí địa lý cũng như chất lượng cuộc sống. Cách thức lây nhiễm thường là truyền từ người này sang người khác.
Thông thường, bạn có thể bị nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori ngay từ khi còn nhỏ. Hầu hết người bị nhiễm Hp trong suốt cuộc đời, hoàn toàn không có triệu chứng hoặc mắc các bệnh tiêu hóa nghiêm trọng. Hiện nay, ở Việt Nam, người ta ước tính có khoảng 70% dân số nhiễm vi khuẩn này trước tuổi 20.
Mặc dù tỷ lệ nhiễm khuẩn Hp rất cao, tuy nhiên phần lớn những người bị nhiễm (80%) đều không có triệu chứng cũng như biến chứng
Khi nào thì biết mình đã nhiễm khuẩn?
Sự nhiễm khuẩn này nhìn chung rất lặng lẽ, tuy vậy thông thường nó gây ra những cơn đau dạ dày mãn tính như viêm dạ dày mãn hoặc loét dạ dày.
1% những người nhiễm vi khuẩn Helicobacter pylori có nguy cơ gây ung thư. Đây cũng là vi khuẩn đầu tiên có khả năng gây ra sự phát triển của ung thư.
Làm thế nào để có thể chữa khỏi?
Nếu vi khuẩn đó được tìm thấy trong dạ dày, nó có thể sẽ bị tiêu diệt nhờ vào việc sử dụng kết hợp 4 loại thuốc (2 tuần), đơn giản và hiệu quả trong 90% các trường hợp.
Helicobacter pylori là một loại vi khuẩn, vì vậy cần phải điều trị bằng việc kết hợp các loại thuốc kháng sinh, đi kèm với đó là một loại thuốc ức chế acid dạ dày trong suốt quá trình điều trị.
Việc sử dụng các loại thuốc kháng sinh này có thể có những tác dụng phụ như phân đen, tiêu chảy, rối loạn vị giác (vị kim loại) , lưỡi đen và phản ứng cai rượu (hiệu ứng antabuse), vì vậy trong khi uống thuốc, nên tránh sử dụng đồ uống có cồn và tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời, nên uống thuốc vào giữa các bữa ăn.
Làm test thở kiểm tra sau điều trị:
Một tháng sau khi dừng uống thuốc, bệnh nhân sẽ phải làm test thở kiểm tra xem vi khuẩn đã biến mất khỏi dạ dày hay chưa. Để làm được bài kiểm tra này, bệnh nhân không được phép dùng bất kì loại thuốc kháng sinh kể từ 4 tuần trước đó và cũng phải dừng hết tất cả các loại thuốc điều trị ức chế acid dạ dày kể từ 2 tuần trước đó, bên cạnh đó, bệnh nhân cần phải nhịn ăn: nghĩa là không ăn không uống không hút thuốc kể từ buổi tối hôm trước.
Bài kiểm tra này là cần thiết vì nhiều khả năng vi khuẩn chưa thể bị loại trừ ngay sau khi dùng phác đồ điều trị đầu tiên. Đó có thể là do vi khuẩn này đã kháng các loại thuốc kháng sinh đã dùng hoặc nhiều khi do liều dùng chưa đủ hoặc chưa đúng cách. Đó là lý do vì sao bệnh nhân cần tuân thủ đúng liều dùng cũng như chỉ dẫn của bác sĩ.
Nếu trong trường hợp vi khuẩn vẫn còn, sự kết hợp của nhiều thuốc kháng sinh loại mới sẽ được lựa chọn.
Điều trị vi khuẩn Helicobacter pylori sẽ ngăn gây ra những tổn thương cho dạ dày ở mọi lứa tuổi và ngay cả đối với những người đã nhiễm khuẩn lâu năm. Diệt trừ sớm vi khuẩn Hp còn để tránh hình thành những tổn thương ung thư dạ dày. Một khi đã diệt được vi khuẩn HP, khả năng tái nhiễm là rất ít. Do vậy, có thể coi như là đã được điều trị khỏi.
Thông tin này có mục đích hướng dẫn giáo dục và không có mục đích thay thế cho việc thăm khám với bác sĩ chuyên khoa. Để biết thông tin cụ thể và chi tiết, vui lòng liên hệ: (84-24) 3577 1100 hoặc gửi câu hỏi tại đây